Góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

Thứ tư - 24/05/2023 15:44 320 0
Theo đề nghị của Sở Nội vụ; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về  trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân
Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu Hội đồng nhân dân khi không còn sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội đồng nhân dân hoặc cử tri bãi nhiệm. Tuy nhiên, trong thực tế, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân là cần thiết để làm cơ sở triển khai thực hiện trong thực tiễn và phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị quyết như:
Về nguyên tắc thực hiện việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân: Đề nghị xem xét lại quy định để cử tri xem xét, quyết định phương án tổ chức bỏ phiếu trong trường hợp đến ngày bỏ phiếu mà dịch bệnh bùng phát phải cách ly xã hội, thiên tai, bão lũ dẫn đến địa hình bị chia cắt; vì hiện tại, Dự thảo chưa quy định cách thức, phương thức quyết định phương án tổ chức bỏ phiếu của cử tri trong trường hợp này. Về trình tự, thủ tục Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định việc đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân: Đề nghị xem xét lại tiêu chuẩn “không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân” khi quyết định đưa ra cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân vì theo quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì “sự tín nhiệm của Nhân dân” là một trong những tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngoài ra, đề nghị quy định thêm các trường hợp mà đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiên bị bãi nhiệm (bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị khai trừ Đảng, không đảm bảo sức khỏe, có nguyện vọng xin thôi làm đại biểu Hội đồng nhân dân…) và các trường hợp này không thực hiện theo trình tự bãi nhiệm quy định tại dự thảo Nghị quyết này. Về những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bãi nhiệm: Đề nghị quy định thêm các đối tượng không được làm thành viên của các tổ chức phụ trách bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân là “bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng của đại biểu Hội đồng nhân dân”. Về biên bản xác định kết quả bỏ phiếu bãi nhiệm: Đề nghị chọn Phương án 2 “Đại biểu Hội đồng nhân dân bị bãi nhiệm khi có quá nửa tổng số phiếu hợp lệ của cử tri ở đơn vị bãi nhiệm đồng ý bãi nhiệm nhằm đảm bảo phù hợp với nguyên tắc xác định người trúng cử tại Điều 78 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây