Luật Phòng thủ dân sự được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Qua đó, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về phần giải thích từ ngữ: Đề nghị làm rõ quy định “lây lan trên quy mô rộng”; đồng thời, xem xét lại đối tượng dễ bị tổn thương là “người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn” vì bản thân người dân tộc thiểu số đã thuộc về nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, không cần phải thêm điều kiện là sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Về áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan: Đề nghị xem xét việc áp dụng Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác có liên quan phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Về thẩm quyền ban bố tình trạng thảm họa: Đề nghị xem xét, quy định thống nhất thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự khi xảy ra sự cố, thảm họa của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 4 Điều 6 và Điều 20 dự thảo Luật. Về công tác tuyên truyền, giáo dục phòng thủ dân sự: Đề nghị xem xét, quy định cụ thể nội dung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về phòng thủ dân sự được đưa vào môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường ở cấp học nào (cấp THPT, đại học, giáo dục nghề nghiệp…). Về hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố: Đề nghị xem xét bỏ đối tượng tiếp cận thông tin khi có nguy cơ thảm họa, sự cố là “đối tượng dễ bị tổn thương” vì thông tin về nguy cơ thảm họa, sự cố phải được chuyển tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ khác phù hợp với tất cả các đối tượng, các tầng lớp nhân dân trong xã hội, chứ không chỉ đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; đề nghị xem xét bổ sung hoạt động “hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa” trong hoạt động khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa cho đầy đủ và phù hợp với thực tiễn công tác khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.