Góp ý dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Thứ hai - 07/08/2023 18:54 604 0
Theo đề nghị của Sở Tài chính; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Thanh tra Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu  toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý loại tài sản này. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Nghị định số 29/2018/NĐ-CP cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện như:  Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chỉ quy định chung một trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản, không phù hợp đối với một số loại tài sản; chưa quy định cụ thể về thủ tục hành chính, hồ sơ khi lập, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản; chưa quy định cụ thể việc xác định giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân tương ứng với từng loại tài sản để xác định giá khởi điểm, giá bán chỉ định, giá bán niêm yết khi thực hiện xử lý tài sản theo các hình thức này… Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như:
Về phạm vi điều chỉnh: Đề nghị rà soát, bổ sung trong phạm vi điều chỉnh tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là tài sản bị tịch thu và tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm tại khoản 1 và khoản 10 Điều 3 dự thảo Nghị định. Về thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản: Đề nghị cân nhắc giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc các cơ quan trung ương đóng tại địa phương để đảm bảo tính thuận tiện và tính khả thi khi áp dụng thực hiện. Về trình tự, thủ tục lập̣, phê duyệt phương án xử lý tài sản và tổ chức thực hiện phương án xử lý tài sản: Đề nghị xem xét, quy định thời hạn phê duyệt phương án xử lý tài sản của Bộ Tài chính để đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành của thủ tục hành chính (trình tự thực hiện, hồ sơ, thời gian thực hiện, kết quả thực hiện); đồng thời, cần quy định thống nhất về giá trị tài sản được bán theo hình thức chỉ định và hình thức niêm yết giá tại Điều 13 và Điều 15, 16 dự thảo Nghị định. Về bán tài sản theo hình thức đấu giá: Đề nghị quy định các thành viên của Hội đồng đấu giá tài sản là “đại diện cơ quan chuyên môn về tài chính và cơ quan tư pháp cùng cấp” nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Đấu giá tài sản. Về chi thưởng cho tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm: Đề nghị xem xét, quy định mức tiền thưởng cho tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia theo hướng tài sản có giá trị càng cao thì mức thưởng càng cao; bởi vì, nếu quy định như Dự thảo thì tài sản có giá trị 10 triệu đồng sẽ có mức thưởng là 3 triệu đồng, tài sản có giá trị 11 triệu đồng sẽ có mức thưởng là 1,65 triệu đồng, điều này là không phù hợp.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây