Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở (2005 – 2013), bên cạnh những kết quả đạt được thì Luật hiện hành cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, hạn chế như: Chưa có quy định về lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, theo phong trào, không theo quy hoạch, kế hoạch, làm mất cân đối cung - cầu về nhà ở; chưa cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở; chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư; chưa điều chỉnh đầy đủ các vấn đề trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là các chung cư cao tầng, có mục đích sử dụng hỗn hợp… Do đó, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tại cuộc họp góp ý Luật Nhà ở (sửa đổi), các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về giải thích từ ngữ: Đề nghị quy định khái niệm “Chủ sở hữu nhà ở” và “Chủ sở hữu nhà chung cư” phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật - Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Về quyền có chỗ ở: Đề nghị quy định khái niệm “chỗ ở” phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời, cần quy định cụ thể các hình thức khác để bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật là hình thức nào, được quy định tại văn bản nào để đảm bảo tính thống nhất, tính khả thi khi áp dụng thực hiện. Về điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Đề nghị quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các loại giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định tại Điều 10 dự thảo Luật. Về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở: Đề nghị quy định thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở phải được thể hiện trong hợp đồng mua bán nhà ở để hạn chế tình trạng tranh chấp việc xác lập quyền sở hữu giữa các bên. Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang: Đề nghị quy định thống nhất cơ quan có thẩm quyền quy định về điều kiện và mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang là Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an. Về chính sách bán nhà ở xã hội: Đề nghị cân nhắc bổ sung vào Điều 4 Luật này một khoản quy định riêng những hành vi bị cấm trong việc thực hiện chính sách về nhà ở xã hội (nhất là việc bán nhà ở không đúng đối tượng); đồng thời, quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư nhà ở xã hội trong việc mua bán nhà ở xã hội để chính sách này đi vào cuộc sống đúng với mục đích giải quyết nhu cầu nhà ở cho người nghèo.