Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ ba - 25/04/2023 16:45 256 0
Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Thanh tra Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 ra đời đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong giai đoạn mới, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và phát huy các nguồn lực xã hội trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như:
Về áp dụng các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Đề nghị xem xét quy định theo hướng “Người đã từng là vợ hoặc chồng của mình hoặc sống chung với nhau như vợ chồng và người là con riêng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, anh chị em ruột của người từng là vợ hoặc chồng của mình hoặc sống chung với nhau như vợ chồng có hành vi bạo lực với nhau quy định điểm a, b, c, đ, k g, h khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hoặc có hành vi cản trở kết hôn; cưỡng ép đóng góp tài chính quá khả năng của họ thì áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm đảm bảo theo quy định về bạo lực gia đình của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình”. Về kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình: Đề nghị quy định cụ thể thời gian thực hiện việc kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình (giờ, ngày) để đảm bảo tính kịp thời và an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự… cho người bị bạo lực gia đình. Về biện pháp cấm tiếp xúc: Đề nghị quy định cụ thể thời gian hoàn thành việc xác minh thông tin và quy định thống nhất thời gian ban hành quyết định cấm tiếp xúc là 04 giờ kể từ khi nhận được đề nghị trong cả 3 trường hợp (theo đề nghị của người bị bạo lực gia đình; theo đề nghị của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình; theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền), bởi vì chủ thể đề nghị không phải là yếu tố quan trọng nhất trong vụ việc bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình mới là yếu tố quan trọng nhất trong vụ việc này. Đồng thời, cần xem xét lại quy định người đang thực hiện quyết định cấm tiếp xúc được phép tiếp xúc với người bị bạo lực gia đình trong trường hợp “Tham gia lễ hội, hoạt động truyền thống theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương”quyết định cấm tiếp xúc là nhằm bảo vệ lợi ích của nạn nhân bị bạo lực gia đình nên trong khi tham gia lễ hội, hoạt động truyền thống đông người, rất khó để giám sát được hành vi bạo lực gia đình. Về người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình: Đề nghị quy định đầy đủ các điều kiện của người đứng đầu cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình theo điểm a khoản 2 Điều 40 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, cần xem xét lại thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xác nhận người đứng đầu cơ sở có bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình hay không trong trường hợp quyết định xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình không thuộc thẩm quyền của cấp xã.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây