Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Địnhhttps://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 14/03/2023 06:076080
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 192/STNMT-CCQLĐĐ ngày 31/01/2023 về việc thực hiện Kế hoạch triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn tỉnh Bình Định; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật nói trên. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng... Những tồn tại, bất cập trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền xác nhận những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trong khái niệm “Hộ gia đình sử dụng đất” để dễ áp dụng thực hiện; đề nghị quy định cụ thể khái niệm “đất có mặt nước hoang hóa” trong dự thảo Luật để áp dụng chính sách khuyến khích “Khai hoang, phục hồi đất bị thoái hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng”; đề nghị cân nhắc bỏ từ “chứng thực” trong quy định “Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực” để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; đề nghị quy định thống nhất về quyền của tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 dự thảo Luật; đề nghị xem xét làm rõ nghĩa của quy định “Đối với trường hợp thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải xác định quỹ đất bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất trong khu vực dự án và phải thống nhất với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản trước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất” để dễ áp dụng thực hiện (vì khi đã thực hiện xong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà còn phải thống nhất với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản về việc đấu giátrước khi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện); đề nghị bổ sung điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm hoặc đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất,...”; đề nghị cân nhắc quy định việc bồi thường đối với cây lâu năm không được vượt định mức của ngành nông nghiệp về mật độ cây trồng; đề nghị xem xét lại điều kiện công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất vì bắt đầu từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực; đề nghị xem xét, quy định cụ thể phương thức, giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền và cá nhân, tổ chức khi áp dụng thực hiện.