Luật Thi đua, khen thưởng có đối tượng điều chỉnh rộng, đa dạng, mỗi đối tượng được điều chỉnh có đặc thù khác nhau về tính chất, vị trí pháp lý, ngành nghề, nhiệm vụ công tác, đặc điểm hoạt động (tập thể, cá nhân trong cả hệ thống chính trị, công nhân, nông dân, công chức, viên chức, trí thức, nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân, cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài,...). Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết nhằm quy định chi tiết các điều khoản được giao trong Luật, đảm bảo Nghị định có hiệu lực thi hành đồng thời cùng với hiệu lực thi hành của Luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện Luật và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như:
Về nguyên tắc khen thưởng: Đề nghị xem xét lại quy định về “trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung” để dễ áp dụng thực hiện. Về quy định chung để khen thưởng quá trình cống hiến: Đề nghị làm rõ quy định “Hạ một mức khen đối với cá nhân đã bị kỷ luật lưu Đảng” vì bất kỳ hình thức kỷ luật Đảng nào cũng được lưu hồ sơ đảng viên; đồng thời, trong quy định về kỷ luật Đảng cũng có quy định về thời hạn xem như chưa bị kỷ luật. Về hiệp y khen thưởng: Đề nghị chọn Phương án 1 là việc lấy ý kiến hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan do bộ, ban, ngành, tỉnh thực hiện trước khi họp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; bởi vì, phương án này phân cấp cho địa phương thực hiện lấy ý kiến hiệp y khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước sẽ đảm bảo tính khách quan, tính khả thi hơn so với phương án giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá kết quả từ cơ sở, đơn vị. Về mức tiền thưởng danh hiệu thi đua: Đề nghị xem xét, điều chỉnh mức tiền thưởng đối với danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” bằng 0,5 lần mức lương cơ sở cho phù hợp vì việc quy định mức tiền thưởng bằng 0,3 lần mức lương cơ sở là quá thấp so với mức sống hiện nay và mức tiền thưởng này cũng đã được áp dụng trong một thời gian dài (từ năm 2017 đến nay). Về điều kiện tham dự xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp: Đề nghị xem xét trường hợp doanh nhân đang bị điều tra, truy tố, xét xử hình sự thì có được tham gia xét tôn vinh và trao tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp hay không để đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện.