Góp ý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản

Thứ ba - 15/08/2023 11:37 461 0
Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Thanh tra Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; quản lý khoáng sản ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản, có nhiều vấn đề bất cập, hạn chế như: Khi điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, không chỉ phát hiện khoáng sản mà còn điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất; quy định về khu vực cấm/tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không phù hợp với thực tiễn; vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cát, sỏi lòng sông không còn phù hợp,… Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Địa chất và khoáng sản là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục những bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Tại cuộc họp góp ý Luật Địa chất và khoáng sản, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp: Đề nghị xem xét, quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành văn bản để thi hành pháp luật về địa chất, khoáng sản tại địa phương phù hợp với quy định tại Điều 27, Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, xem xét, quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản tại địa phương (UBND cấp huyện phải xử lý theo thẩm quyền vụ việc vi phạm trước khi báo cáo, đề xuất UBND cấp tỉnh xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản trái phép trên địa bàn). Về Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản: Đề nghị xem xét, quy định loại “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản” nhằm đảm bảo theo quy định tại Phụ lục I - Danh mục các quy hoạch ngành quốc gia ban hành kèm theo Luật Quy hoạch; đồng thời, xem xét, quy định các căn cứ để điều chỉnh quy hoạch khoáng sản phù hợp với quy định tại Điều 53 Luật Quy hoạch, vì đây là quy hoạch cấp quốc gia. Về tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản: Đề nghị xem xét lại đối tượng là cá nhân đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản vì trong dự thảo Luật, không có điều khoản nào quy định cụ thể về đối tượng này (phân loại đối tượng, điều kiện của cá nhân thăm dò khoáng sản); đồng thời, xem xét, bổ sung nội dung quy định về điều kiện của hộ kinh doanh hành nghề thăm dò khoáng sản để địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện, trường hợp Dự thảo không quy định trực tiếp trong Luật thì có thể giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản: Đề nghị xem xét lại quyền thế chấp quyền khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; bởi vì, nếu tổ chức, cá nhân đã thế chấp quyền khai thác khoáng sản cho ngân hàng thì không thể thực hiện việc thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về khai thác khoáng sản.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây