Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp
Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Địnhhttps://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 28/10/2022 16:124550
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 3681/BTP-TTLLTPQG ngày 29/9/2022 v/v góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Nghị định nói trên. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp;Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính. Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng, tạo thuận lợi lớn cho việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Lý lịch tư pháp và tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên toàn quốc. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP có một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và pháp luật ban hành gần đây; một số vấn đề mới phát sinh cần phải được điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả thi hành. Do vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2010/NĐ-CP là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Đề nghị cân nhắc quy định thêm nội dung về “hồ sơ lý lịch tư pháp điện tử” trong Điều 6a vì hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn về hồ sơ lý lịch tư pháp điện tử; đề nghị quy định cụ thể việc ký số vào tờ khai điện tử trong hồ sơ điện tử yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để thống nhất và dễ áp dụng thực hiện; đề nghị xem xét giữ lại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP vì nếu bãi bỏ khoản 2 Điều 16Nghị định số 111/2010/NĐ-CPthì cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp không cập nhật được thông tin của người từng bị kết án đã thay đổi, cải chính hộ tịch, dẫn đến việc xác định tình trạng án tích trong phiếu lý lịch tư pháp không chính xác; đề nghị xem xét lại việc quy định Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng để xác minh hành vi phạm tội mới trong thời hạn đang có án tích vì việc tra cứu, xác minh tình trạng án tích chỉ cần thực hiện tại cơ quan Công an và Tòa án; đề nghị cân nhắc giữ nguyên nội dung “việc tra cứu thông tin được thực hiện tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp” tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 111/2010/NĐ-CP vì theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Lý lịch tư pháp thì trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp chỉ có một nơi thường trú duy nhất tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên thì việc tra cứu thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; đề nghị xem xét quy định Công an tỉnh phải gửi kết quả xác minh cho Sở Tư pháp để Sở Tư pháp làm căn cứ cấp phiếu trong trường hợp đương nhiên xóa án tích và lập lý lịch tư pháp.