1. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là đột phá đầu tiên trong ba đột phá chiến lược. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển. Thực hiện những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, cụ thể:
- Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thi hành pháp luật theo hướng thực chất hơn, bám sát và phù hợp với thực tiễn;
- Tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực, trách nhiệm và đầu tư thỏa đáng cho công tác này;
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực theo đúng quy định của pháp luật.
b) Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy trong xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó cần:
- Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật; đánh giá toàn diện kết quả thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng;
- Chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của pháp luật;
- Đối với các vấn đề lớn, phức tạp cần kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế;
- Tiếp tục nghiên cứu, hiện đại hóa kỹ thuật lập pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác này.
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chức năng quản lý, điều hành, phát triển kinh tế xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
c) Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục rà soát pháp luật về tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này; xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan trong thi hành pháp luật; xác lập quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về tình hình thi hành pháp luật; công tác thẩm định, thẩm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải gắn kết chặt chẽ với công tác theo dõi, tổ chức thi hành pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần tiếp tục đổi mới, đặt trọng tâm vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế (nếu có), bảo đảm pháp luật thật sự đi vào cuộc sống, phục vụ Nhân dân.
d) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Chỉ thị số 04/CTUBND ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh và Công văn số 4371/UBND-NC ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật; đầu tư hơn nữa nguồn lực cho công tác này; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.
e) Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Tư pháp phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn lực về tài chính, con người và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp theo quy định của pháp luật và thẩm quyền của địa phương theo quy định được phân công, phân cấp.
2. Nhằm đạt mục tiêu cải cách, nâng cao chất lượng thể chế trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị:
a) Đoàn Đại biểu và Đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường hoạt động giám sát, kịp thời phát hiện các quy định thiếu thống nhất, không còn phù hợp, văn bản có nội dung trái pháp luật, vi phạm trong thi hành pháp luật để có các biện pháp xử lý phù hợp.
b) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
c) Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.