Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính; điều kiện về cơ sở vật chất của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; lập công bố danh sách tổ chức giám định theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; việc tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định tư pháp của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.
Các thành viên dự họp đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Thông tư như: Đề nghị xem xét, cân nhắc lại quy định về tiêu chuẩn để được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở một số điểm như: Tiêu chuẩn “có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp”, phải có tiêu chuẩn về chuyên môn trong lĩnh vực tài chính hay lĩnh vực khác, hợp đồng lao động có được bổ nhiệm giám định viên tư pháp hay không vì Dự thảo chỉ quy định mẫu Giấy xác nhận thời gian hoạt động chuyên môn dành cho cán bộ, công chức; đề nghị rà soát lại một số điều khoản trong Luật Giám định tư pháp đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; đề nghị xem xét lại quy định người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải nộp bản sao chứng thực các văn bằng theo quy định; đề nghị bổ sung hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Giám định tư pháp; đề nghị cân nhắc bỏ quy định hồ sơ đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc phải có đầy đủ các hồ sơ như hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp vì quy định này khó thực hiện trong thực tiễn công tác giám định tư pháp tại địa phương; đề nghị bổ sung tiêu chuẩn của người giám định tư pháp theo vụ việc để đảm bảo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Giám định tư pháp; đề nghị cân nhắc lại trường hợp cần bổ nhiệm thêm giám định viên tư pháp, công nhận thêm người giám định tư pháp theo vụ việc trong quá trình chuẩn bị giám định đối với trường hợp trưng cầu Bộ Tài chính giám định vì thời gian bổ nhiệm giám định viên tư pháp mất hơn 1 tháng, trong khi đó, thời hạn giám định tư pháp tối đa không quá 03 tháng đối với một vụ việc hoặc tối đa không quá 04 tháng đối với vụ việc phức tạp; đề nghị xem xét quy định cụ thể thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được tính từ thời điểm nào để thống nhất và dễ áp dụng thực hiện (kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ hợp lệ hay từ thời điểm được giao thực hiện giám định tư pháp…); đề nghị bổ sung trong dự thảo Thông tư nội dung quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp và trình tự, thủ tục công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính tại UBND cấp tỉnh nhằm đảm bảo theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung năm 2020),...