Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ sáu - 26/11/2021 10:30 6.018 0
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Công văn số 2082/SNV-XDCQ&CTTN ngày 10/11/2021 về việc đề nghị góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật nói trên. Đối tượng được lấy ý kiến bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Luật này quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được áp dụng đối với công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đơn vị hành chính cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương; người lao động, tổ chức đại diện người lao động, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan.
  Phần lớn các thành viên được lấy ý kiến đều thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là thật sự cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; đồng thời, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị rà soát và trình bày thống nhất quy ước viết tắt đối với khái niệm “đơn vị hành chính cấp xã” trong toàn Dự thảo; tại Điều 11 Dự thảo, đề nghị quy định rõ nội dung: Cá nhân có hành vi vi phạm gây thiệt hại mới có trách nhiệm hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chứ không phải tất cả các cá nhân có hành vi vi phạm đều có trách nhiệm hoàn trả; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các hình thức công khai thông tin được quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin là : Công khai thông tin thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; đề nghị bổ sung quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân bàn và quyết định tại Điều 19 Dự thảo nhằm đảm bảo thống nhất tên của Điều và nội hàm quy định;    đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định về hiệu lực của Nghị quyết của cộng đồng dân cư về nội dung hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố trong dự thảo Luật cho thống nhất với quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị xem xét, chỉnh sửa quy định về tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương về số lần tổ chức và hình thức tổ chức hội nghị,… 

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây