Khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Đề án nhằm gia tăng trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo trước người dân, xã hội, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách, quy định pháp luật; đảm bảo chính sách, pháp luật đạt được sự đồng thuận của người dân, xã hội ngay từ khi triển khai xây dựng nội dung chính sách, quy định cho đến quá trình triển khai, thực hiện sau này. Từ sự đồng thuận của người dân, xã hội, các chính sách đó sẽ thuận lợi đi vào đời sống xã hội, đảm bảo tính khả thi; hướng tới đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đây là đề án quan trọng, có liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương các cấp; quyền và lợi ích của người dân, toàn xã hội nên để triển khai thực hiện Đề án đòi hỏi sự chung tay, quyết tâm của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu các ngành, các cấp.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận và có nhiều ý kiến: Đề nghị làm rõ phạm vi các chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần được tập trung truyền thông, cách thức thực hiện, thời gian, địa điểm thực hiện để việc thực hiện Đề án đạt được hiệu quả; nên thực hiện điểm Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trước khi mở rộng thực hiện trên phạm vi cả nước; cân nhắc thể chế hóa nhiệm vụ truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; ....
Kết thúc Hội thảo, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc khẳng định các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội thảo sẽ được lĩnh hội, tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi khi Đề án được ban hành./.