Hướng dẫn việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL

Thứ tư - 16/03/2022 15:59 1.100 0
Ngày 10 tháng 02 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BTP Hướng dẫn việc đánh giá tác động thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 28/3/2022 (thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính).
Theo đó, Thông tư quy định một số điểm mới so với Thông tư số 07/2014/TT-BTP, cụ thể như:
1. Về hướng dẫn đánh giá tác động TTHC trong lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL (Điều 6 đến Điều 9)
Thông tư quy định quy trình đánh giá tác động TTHC trong lập đề nghị, đây là nội dung mới so với Thông tư số 07/2014/TT-BTP. Theo đó, Cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng Biểu mẫu số 02/ĐGTĐ-LĐN và các nội dung quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9 của Thông tư này để đánh giá về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ TTHC. Cụ thể như sau:
- Đánh giá sự cần thiết của TTHC trong lập đề nghị (Điều 6): TTHC là cần thiết khi TTHC là giải pháp tối ưu trong các giải pháp có thể được thực hiện để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực nhất định hoặc thực hiện các biện pháp có tính đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
- Đánh giá tính hợp pháp của TTHC trong lập đề nghị (Điều 7): TTHC đảm bảo tính hợp pháp khi được ban hành theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020); nội dung của các quy định về TTHC có sự thống nhất trong cùng một văn bản; không trái với các văn bản QPPL có hiệu lực cao hơn, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đánh giá tính hợp lý của TTHC trong lập đề nghị (Điều 8): Quy định TTHC trong lập đề nghị phải có tối thiểu 04 (bốn) bộ phận của TTHC theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 63/2020/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2017), gồm: tên của TTHC, đối tượng thực hiện TTHC, cơ quan giải quyết TTHC và kết quả thực hiện TTHC. Thông tư hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về đánh giá tính hợp lý đối với 04 (bốn) bộ phận TTHC này tại khoản 2 Điều 7 và hướng dẫn điền Biểu mẫu số 02/ĐGTĐ-LĐN kèm theo Thông tư.
- Chi phí tuân thủ TTHC trong lập đề nghị (Điều 9): Trong giai đoạn lập đề nghị, chỉ yêu cầu cơ quan soạn thảo xác định TTHC có quy định phí, lệ phí hay không? Việc quy định phí, lệ phí là nhằm cơ bản bù đắp chi phí song vẫn bảo đảm tính phục vụ khi cơ quan nhà nước thực hiện giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức; bảo đảm cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết cho cá nhân, tổ chức; có tính đến đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng thực hiện, từng lĩnh vực và thông lệ quốc tế.
- Bổ sung Biểu mẫu đánh giá tác động TTHC trong lập đề nghị (Biểu mẫu số 02/ĐGTĐ-LĐN và Hướng dẫn trả lời) tại Phụ lục II kèm theo Thông tư.
- Tổng hợp kết quả đánh giá tác động TTHC: Thông tư quy định sau khi đánh giá tác động của TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá TTHC vào nội dung Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL.
2. Hướng dẫn đánh giá tác động TTHC trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL (Điều 10 đến Điều 12): Về cơ bản, Thông tư kế thừa các quy định của Thông tư số 07/2014/TT-BTP về đánh giá tác động trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản QPPL.
3. Đối với các Biểu mẫu kèm theo Thông tư: Sửa đổi, bổ sung các biểu mẫu đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ TTHC theo hướng đầy đủ nhưng đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn./.

Tác giả bài viết: Văn Dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây