Họp góp ý dự thảo Luật Dân số

Thứ ba - 16/11/2021 22:45 483 0
Theo đề nghị của Sở Y tế tại Công văn số 4266/SYT-NVY ngày 27/10/2021 về việc đề nghị góp ý dự thảo Luật Dân số; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật nói trên. Thành phần tham dự bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Luật này quy định về quy mô dân số; cơ cấu dân số; phân bố dân số; nâng cao chất lượng dân số; tuyên truyền vận động, truyền thông, giáo dục về dân số; lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; điều kiện bảo đảm thực hiện công tác dân số; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân về công tác dân số. Luật này được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình và công dân Việt Nam; tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Phần lớn các thành viên tham dự đều thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Dân số là thật sự cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Dân số và quy định pháp luật liên quan đến công tác dân số, đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số, chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Các thành viên dự họp đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị xem xét, cân nhắc bổ sung thêm một khoản quy định về “Các hành vi khác nhằm mục đích lựa chọn giới tính thai nhi” để đảm bảo điều chỉnh được tất cả các hành vi vi phạm có thể phát sinh trong tương lai; đề nghị bổ sung biện pháp điều chỉnh mức sinh là: Biện pháp duy trì ở tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật; đề nghị xem xét, cân nhắc lại quy định về việc miễn học phí cho con em của các gia đình cam kết sinh đủ hai con khi theo học trung học cơ sở công lập vì Chính phủ đã có quy định riêng về chính sách miễn giảm học phí đối với một số đối tượng học sinh (Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo); đề nghị cân nhắc quy định nam, nữ trước khi kết hôn có trách nhiệm tham gia chương trình giáo dục định hướng trước khi kết hôn và việc bổ sung thêm điều kiện kết hôn tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “Có giấy chứng nhận tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn” vì trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương thì quy định này rất khó thực hiện và không đảm bảo tính khả thi, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người do trình độ học vấn và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; đề nghị bổ sung biện pháp tầm soát, chẩn đoán, điều trị sau sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số quốc gia; đề nghị bổ sung quy định về đối tượng là “người mất năng lực hành vi dân sự” khi phá thai phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật,…                                                                                  
                                                         

Tác giả bài viết: Thu thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây