Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cùng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cơ sở pháp lý vững chắc để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới giao thông vận tải đường bộ cả về kết cấu hạ tầng cũng như số lượng phương tiện, người tham gia giao thông ngày một gia tăng, đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về báo hiệu đường bộ: Đề nghị bổ sung báo hiệu đường bộ bao gồm cả “mốc lộ giới” nhằm đảm bảo thống nhất với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Đường bộ. Về sử dụng tín hiệu còi: Đề nghị quy định chỉ được sử dụng tín hiệu còi của phương tiện trong trường hợp báo hiệu cho người tham gia giao thông đường bộ khi xuất hiện tình huống có thể mất an toàn giao thông (bao gồm cả người đi bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi trên đường bộ). Về đấu giá biển số xe: Đề nghị quy định tiền đặt trước trong cuộc đấu giá biển số xe là bao nhiêu % của giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá để thống nhất và dễ áp dụng thực hiện; đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe theo Luật Đấu giá tài sản. Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác: Đề nghị xem xét, quy định việc thu hồi giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè trong trường hợp sử dụng lòng đường, vỉa hè không đảm bảo yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ: Đề nghị cân nhắc lại quy định người gây tai nạn giao thông đường bộ tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật vì theo quy định thì người gây tai nạn giao thông đường bộ tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, không có hình thức xử lý kỷ luật đối với người gây tai nạn giao thông đường bộ. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Đề nghị xem xét, quy định Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp theo từng độ tuổi trên xe ô tô và phù hợp với từng loại xe ô tô và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dây đai an toàn hoặc ghế dành riêng cho trẻ em khi chở bằng xe gắn máy, xe mô tô để có cơ sở đánh giá tính an toàn của các thiết bị này.