Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người

Thứ sáu - 24/05/2024 08:29 139 0
Theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải  tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người: Đề nghị xem xét, bổ sung thêm điều khoản quy định hoặc giao cho Chính phủ/Bộ công an quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản để các cơ quan, cá nhân thi hành pháp luật có cơ sở áp dụng vì hiện tại, Dự thảo chỉ quy định chung chung về việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật; không có điều khoản nào quy định cụ thể chế độ, chính sách này là gì và cũng không có điều khoản giao cho cơ quan nào quy định chế độ, chính sách này để bảo đảm quyền lợi của cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người. Về trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ: Đề nghị cân nhắc thêm về hình thức ký hợp đồng lao động bằng văn bảntheo quy định của Bộ luật Lao động thì ngoài giao kết bằng văn bản, hợp đồng lao động còn được giao kết thông qua phương tiện điện tử hoặc giao kết bằng lời nói (đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng). Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo: Đề nghị xem xét, cân nhắn lại thời gian tiếp nhận, hỗ trợ, xác minh nạn nhân mua bán người tự đến trình báođối với một vụ việc mua bán người có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người mà thời gian tiếp nhận, hỗ trợ và xác minh thông tin ban đầu của nạn nhân mua bán người là 03 ngày là quá dài, không phù hợp. Về đối tượng bảo vệ: Đề nghị bổ sung thêm các đối tượng bảo vệ tại Điều 34 Dự thảo gồm “người dưới 18 tuổi đi cùng với nạn nhân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, người tố giác, người làm chứng, người thân thích của họ khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại trong quá trình tham gia phòng, chống mua bán người” vì theo quy định tại các điều khoản khác trong Dự thảo thì các đối tượng này cũng được bảo vệ, hỗ trợ. Về thực hiện trợ giúp pháp lý: Đề nghị xem xét, quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân cũng được hưởng chế độ hỗ trợ để làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, làm thẻ căn cước, nhận chế độ hỗ trợ và được trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây