Góp ý dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Thứ năm - 21/03/2024 15:03 425 0
Thực hiện chỉ đạo của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND tỉnh; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính
 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 37) đã quy định “việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Do vậy, việc xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm và thực thi quyền con người; triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan về chuyển đổi giới tính, quyền nhân thân của người chuyển đổi giới tính; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về quyền chuyển đổi giới tính.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về các chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính: Đề nghị xem xét, quy định thống nhất các chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính vì hiện tại, Dự thảo quy định Nhà nước tạo điều kiện để người chuyển đổi giới tính được thực hiện tư vấn pháp lý kỹ lưỡng trước, trong và sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng Nhà nước lại không có chính sách hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho người chuyển đổi giới tính. Về quyền của người chuyển đổi giới tính: Khoản 5 Điều 7 Dự thảo quy định người chuyển đổi giới tính có quyền được giữ nguyên quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi chuyển đổi giới tính bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi; do vậy, tại các điều khoản khác trong Dự thảo cần quy định điều kiện về tình trạng hôn nhân đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và hồ sơ đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phù hợp với quyền của người chuyển đổi giới tính tại khoản 5 Điều 7 dự thảo Luật. Tuy nhiên, với phương án này, Dự thảo nên nghiên cứu xây dựng các quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bên vợ hoặc bên chồng của người chuyển đổi giới tính. Về điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính: Đề nghị xem xét, quy định thống nhất điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính tại khoản 12 Điều 5 và khoản 5 Điều 10 dự thảo Luật. Về phí tư vấn pháp lý: Đề nghị chọn phương án 1 “Việc tư vấn pháp lý cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là dịch vụ pháp lý miễn phí…” nhằm đảm bảo phù hợp với chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính là “Tạo điều kiện để người chuyển đổi giới tính được thực hiện tư vấn tâm lý, y học và pháp lý kỹ lưỡng trước, trong và sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính” (khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật).

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây