Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao ban hành Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai để quy định chi tiết 21 nội dung được giao trong Luật là cần thiết, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như:
Về nội dung và hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính: Đề nghị xem xét, quy định rõ khái niệm “hệ tọa độ bản đồ địa chính” để dễ áp dụng thực hiện vì Luật Đất đai 2024 không quy định về khái niệm này. Về nội dung, hình thức và một số nguyên tắc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất: Đề nghị xem xét, quy định cụ thể thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất trong nội dung đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu bao gồm những thông tin gì (vị trí, diện tích, hình thức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất;...). Đề nghị xem xét, cân nhắc lại khái niệm “người có quyền và nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật dân sự” trong dự thảo Nghị định vì Bộ luật Dân sự chỉ quy định về “người có quyền, lợi ích liên quan”, không quy định về “người có quyền và nghĩa vụ liên quan”; Bộ luật Tố tụng dân sự mới quy định về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” và người này do cơ quan tiến hành tố tụng xác định. Về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất: Đề nghị xem xét, cân nhắc bỏ toàn bộ nội dung quy định về thời gian thực hiện thủ tục “đăng ký, xóa đăng ký thế chấp” vì nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định. Về hiệu lực thi hành: Đề nghị quy định hiệu lực thi hành văn bản đảm bảo thống nhất theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền”.