Đối tượng được lấy ý kiến bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc Sở và Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 05 chương và 31 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật Cảnh sát cơ động đã kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động; đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế và phát triển, bổ sung các quy định mới nhằm thể hiện tính đặc thù của Cảnh sát cơ động; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Luật Cảnh sát cơ động khi được ban hành.
Phần lớn các thành viên được lấy ý kiến đều thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động trong tình hình hiện nay là thật sự cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.
Các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị xem xét, bổ sung quy định Cảnh sát cơ động được mang theo bên người các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong trường hợp bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng trở lên vì các loại tội phạm này đều có tính chất nguy hiểm cho xã hội nên phải có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ để xử lý kịp thời; tại Điều 13 của dự thảo Luật, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lựa chọn Phương án 2, quy định hệ thống tổ chức và cơ cấu lực lượng của Cảnh sát cơ động vì thực tế hiện nay, 06 lực lượng của Cảnh sát cơ động đã được thành lập theo quy định tại Điều 8 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 và theo chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; tại Điều 17 của dự thảo Luật, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm hoàn trả người được huy động làm nhiệm vụ ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt; về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, đề nghị quy định cụ thể thời gian công tác ổn định lâu dài của sĩ quan Cảnh sát cơ động là bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng thì mới được hưởng chính sách này. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một điều khoản quy định về đối tượng áp dụng của Luật này để xác định cụ thể nội hàm, đối tượng bị tác động của Luật.