Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc

Thứ ba - 03/10/2023 16:38 401 0
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc (Hợp đồng O&M). Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Chánh Thanh tra Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư  theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý  đường bộ cao tốc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, trong đó đến năm 2030 phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư mới đường bộ cao tốc từ ngân sách nhà nước và nhu cầu kinh phí cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư là rất lớn. Do vậy, việc nghiên cứu phương án nhượng quyền khai thác đường cao tốc (gắn liền với vận hành, bảo trì từ nguồn vốn tư nhân) là vô cùng cần thiết. Trong đó, nhượng quyền khai thác theo phương thức PPP, loại hợp đồng O&M là một trong các hình thức phù hợp, được quy định tại pháp luật PPP. Do vậy, việc xây dựng Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc (Hợp đồng O&M) là cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý pháp luật PPP theo phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Thông tư như:
Về sơ bộ tổng mức đầu tư và tổng mức đầu tư dự án: Đề nghị rà soát, quy định cụ thể các quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan quy định về chi phí đầu tư, xây dựng các hạng mục phục vụ công tác kinh doanh, quản lý (nếu có) để đảm bảo thống nhất và dễ áp dụng thực hiện; tránh trường hợp giao cho cá nhân, tổ chức áp dụng pháp luật tự rà soát, dễ dẫn đến áp dụng sai pháp luật, vi phạm pháp luật. Về doanh thu thu phí: Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí để xác định các mức doanh thu của dự án qua từng năm (doanh thu ở mức căn bản, doanh thu ở mức tối đa và doanh thu ở mức tối thiểu). Về điều tra, khảo sát lưu lượng giao thông: Đề nghị quy định cụ thể thời điểm thực hiện điều tra, khảo sát lưu lượng giao thông để áp dụng thực hiện vì trên thực tế, các phương tiện giao thông lưu thông thường có một số tính chất tương đồng nhau ở các địa phương; ngoài ra, cần xem xét lại quy định về việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhân công tham gia đếm xe vì đây là công việc đơn giản và dễ thực hiện, chỉ cần hướng dẫn cách thức, phương pháp đếm, không cần thiết phải đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Về nộp tiền cho ngân sách nhà nước: Đề nghị xem xét, quy định thời hạn nộp tiền là “Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực” vì các quyền và nghĩa vụ phát sinh sẽ tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây