Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng

Thứ hai - 16/10/2023 17:13 763 0
Theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng
 Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết đã góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước. Do vậy, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng để thay thế cho Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về giải thích từ ngữ: Đề nghị xem xét quy định cụ thể “tình trạng theo quy định của Luật này” trong khái niệm “Can thiệp sớm” là tình trạng gì, đó có phải là các trường hợp phải áp dụng biện pháp can thiệp sớm theo quy định tại khoản 1 Điều 157 dự thảo Luật hay không. Về bảo mật thông tin: Đề nghị xem xét, quy định cụ thể cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật được quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng là những cơ quan nào để đảm bảo quyền được bảo mật thông tin của khách hàng. Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng tại khoản 1 Điều 41: Đề nghị xem xét, quy định cụ thể bằng đại học về các chuyên ngành như: Tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán để đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng và phù hợp với quy định tại các khoản khác trong Điều này. Về những trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của tổ chức tín dụng: Đề nghị xem xét lại trường hợp “Vi phạm quy định tại Điều 42 của Luật này về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ” vì Điều 42 quy định về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, trong đó có trường hợp “Người chưa thành niên; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự”. Về tổ chức tín dụng là hợp tác xã: Đề nghị xem xét lại khái niệm “Tổ chức tín dụng là hợp tác xã” tại Điều 80 dự thảo Luật và đây có phải là một loại hình của tổ chức tín dụng hay không, Ban soạn thảo nên rà soát và có sự chỉnh sửa cho phù hợp, thống nhất và dễ áp dụng thực hiện. Về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm: Đề nghị quy định biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba theo quy định của pháp luật về dân sự vì vấn đề hiệu lực đối kháng với bên thứ ba được quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây