Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh Bình Định năm 2022

Thứ tư - 22/12/2021 11:24 335 0
Ngày 20/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về công tác Cải cách hành chính tỉnh Bình Định năm 2022. Theo đó Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh đề ra các chỉ tiêu, giải pháp gắn với 38 nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực của công tác cải cách hành chính, bao gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành, Cải cách thể chế, Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Cải cách chế độ công vụ, Cải cách tài chính công, Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử.
ảnh minh họa
ảnh minh họa
Một số chỉ tiêu đáng chú ý như sau:
- Tổ chức kiểm tra cải cách hành chính đối với ít nhất 30% cơ quan hành chính cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành kiểm tra cải cách hành chính đối với ít nhất 30% đơn vị cấp xã; 100% vấn đề phát hiện qua kiểm tra cải cách hành chính phải được khắc phục ngay trong năm.
- Triển khai công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng và phấn đấu đạt tối thiểu tương ứng 50%, 40%, 35% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
- Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.
- Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã xuống trung bình còn tối đa 30 phút/01 lần đến giao dịch.  Phấn đấu đến hết năm 2022, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%.
- 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát ban hành quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong đảm  bảo tiêu chí thành lập phòng, chi cục và bố trí đúng số lượng cấp phó lãnh đạo, quản lý theo quy định.
- Tối thiểu 50% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành (không bao gồm nội dung mật) được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. 50% hồ sơ công việc tại cơ quan cấp tỉnh, 40% đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện và 30% đối với Ủy ban nhân dân cấp xã được tạo lập dưới dạng điện tử (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương; Tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ đối với các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính theo quy định, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra cải cách hành chính, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính./.

Tác giả bài viết: V.H

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây