- 06/10/2021 05:37:24 PM
- Đã xem: 522
Xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước. Đây cũng là vấn đề trực tiếp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhằm phát huy vai trò của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, ngày 19/7/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó có danh mục một số biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính. Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP bước đầu đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nhất là đối với những quy định chưa được cụ thể hóa trong Luật. Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung quy định cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính một cách chính xác, đúng các nguyên tắc xử lý theo quy định của Luật thì Nghị định này cũng có một số nội dung mà cách hiểu, cách áp dụng chưa được thống nhất hoặc chưa được sự đồng thuận cao trong quá trình tác nghiệp của các đối tượng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng. Trong đó có việc ghi tên cơ quan ban hành văn bản trong các biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính.