Góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi)

Thứ hai - 23/05/2022 20:27 1.158 0
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 1239/BTP-BTTP ngày 20/4/2022 v/v góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi); vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức lấy ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật nói trên. Đối tượng được lấy ý kiến bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
 Các thành viên được lấy ý kiến đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng như sau:
Về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi):
Đề nghị bổ sung các hồ sơ: “Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức khác; bản chụp ý kiến góp ý” theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Về dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi):
Đề nghị bỏ nội dung tại “Mục VII. Về tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định” cho đúng với Mẫu Tờ trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Mẫu số 2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Về dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Công chứng (sửa đổi):
Đề nghị bổ sung nội dung đánh giá tác động của từng giải pháp đề xuất (bao gồm tác động tích cực (lợi ích), tiêu cực (chi phí) của từng giải pháp chính sách đối với Nhà nước, người dân và doanh nghiệp) cho phù hợp theo quy định tại Mẫu số 1 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP.
Về đề cương chi tiết Luật Công chứng (sửa đổi):
Về giá trị pháp lý của văn bản công chứng, đề nghị giữ nguyên phương án “Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” nhằm đảm bảo các yếu tố tạo nên tính pháp lý của văn bản công chứng; đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi của công chứng viên (không quá 65 tuổi như Thừa phát lại) để đảm bảo chất lượng của đội ngũ công chứng viên; đề nghị xem xét lại việc cắt giảm 2 loại giấy tờ trong thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gồm: “Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật; bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng” cho phù hợp với quy định về tiêu chuẩn công chứng viên tại khoản 1 và khoản 4 Điều 8 Luật Công chứng hiện hành; đề nghị bổ sung quy định về giấy khám sức khỏe dành cho người từ đủ 18 tuổi trở lên do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (mẫu giấy khám sức khỏe dành cho người từ đủ 18 tuổi trở lên ban hành kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT); đề nghị xem xét lại việc cắt giảm thành phần hồ sơ “bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên” trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên cho phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật Công chứng hiện hành; đề nghị xem xét lại việc quy định trách nhiệm của cả Phòng Công chứng và công chứng viên trong việc bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan trong trường hợp có lỗi; đề nghị xem xét, quy định tiêu chuẩn của người thực hiện công chứng là phải có bằng cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên để phù hợp với tiêu chuẩn của công chứng viên tại Điều 8 Luật Công chứng hiện hành,…

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây