Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011. Luật Khám bệnh, chữa bệnh mang tính đột phá trong công tác quản lý hành nghề y trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Luật đã đưa ra một khung pháp lý mới trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa bảo đảm theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn; quy trình chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; đào tạo người hành nghề; cấp chứng chỉ hành nghề; áp dụng các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn mới trong khám bệnh, chữa bệnh,... Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng được ưu tiên trong hành nghề khám, chữa bệnh là người khuyết tật vì trong thực tế, những người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, chờ đợi, làm thủ tục... nên cần được ưu tiên hơn trong việc khám bệnh, chữa bệnh; đề nghị xem xét, bổ sung quy định về việc giao cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng thực hiện quy định này trong thực tiễn; đề nghị xem xét lại quy định về đối tượng được thực hành khám bệnh, chữa bệnh là học sinh vì học sinh là đối tượng đang học tập ở cấp học phổ thông, không thể đang trong khối học ngành sức khỏe được; đề nghị xem xét lại thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vì việc quy định như vậy sẽ gây chồng chéo nhiệm vụ giữa các bộ ngành trong công tác quản lý nhà nước về y tế; đề nghị xem xét lại quy định về thời hạn đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính vì các trường hợp bị đình chỉ hành nghề tại Điều 31 dự thảo Luật không bao gồm các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị cân nhắc bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề là “Giấy phép hành nghề bị mất, rách, hư hỏng” nhằm đảm bảo quy định đầy đủ các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đề nghị xem xét lại quy định về việc khám, điều trị ngoại trú được thực hiện trong trường hợp “Người đến khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” vì người đến khám tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể khám, điều trị ngoại trú hoặc khám, điều trị nội trú tùy theo nhu cầu hoặc chỉ định của bác sĩ điều trị,...