Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật này thay thế cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007 và sửa đổi, bổ sung Điều 135 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như: Đề nghị xem xét bỏ nội dung xác định mục đích của hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình là “nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm” tại khoản 1 Điều 3 Dự thảo vì việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm chỉ là tác động về mặt tinh thần, trong khi hành vi đó còn có thể tác động về mặt kinh tế, tình dục,...; đề nghị cân nhắc lại đối tượng “người đã ly hôn” trong quy định tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo vì theo quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình thì người đã ly hôn không còn quan hệ vợ chồng nữa; đề nghị xem xét, giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình xử lý hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em cho một trong hai cơ quan là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em để tránh chồng chéo nhiệm vụ, dễ dẫn đến trường hợp không có cơ quan, người có thẩm quyền nào tham gia xử lý; đề nghị xem xét lại biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình là “Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” vì trong thực tế, việc buộc người có hành vi bạo lực gia đình phải thực hiện công việc cộng đồng để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình là rất khó thực hiện, tính khả thi không cao; đề nghị quy định việc xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình phải được thực hiện ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình nhằm tránh trường hợp việc xử lý các vụ việc bạo lực gia đình chậm trễ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình,…