Tiếp tục rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Kết luận của Thường trực Chính phủ

Thứ hai - 22/07/2024 15:58 320 0
Ngày 15/7/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 322/TB-VPCP Kết luận của Thường trực Chính phủ về Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Ban Chỉ đạo đã ghi nhận sự cố gắng của các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên, để triển khai nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm trong thời gian tới, Thường trực Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện một số nội dung sau:
1. Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đối với các luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì tiếp tục thực hiện theo chương trình, kế hoạch.
Việc rà soát, xử lý các vướng trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 64-KL/TW ngày 18 tháng 10 năm 2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV và các Nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; không cầu toàn, không nóng vội. Đối với những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả và có sự đồng thuận thì cần xem xét, nghiên cứu đưa vào luật để tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa rõ, vấn đề mới chưa có quy định hoặc đã có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn và còn có ý kiến khác nhau thì cần nghiên cứu tổng kết thi hành, xây dựng cơ chế thí điểm, làm cơ sở để mở rộng nếu phù hợp, khả thi.
2. Nội dung rà soát, sửa đổi tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền (xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; không làm các công việc cụ thể); cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó, cả vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo mục tiêu góp phần khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và các mục tiêu lớn theo Nghị quyết Đại hội XIII.
3. Ngoài ra, Thường trực Chính phủ yêu cầu người đứng đầu địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong phạm vi quản lý; bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, nhiệt huyết, đam mê với công việc làm công tác pháp chế, pháp luật.

Tác giả bài viết: V.D

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây