Hoàn thiện quy định để đảm bảo nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thứ tư - 24/07/2024 15:16 381 0
Theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt; cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo đó, Luật quy định có 4 biện pháp cưỡng chế gồm: (1) khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; (2) kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (3) thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; (4) buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đảm bảo các nguyên tắc tại Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Việc cưỡng chế chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế bằng văn bản của người có thẩm quyền.
2. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
3. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
Thời gian qua, công tác tổ chức thi hành quy định về áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành nguyên tắc “Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương” tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
- Thứ nhất, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, hướng dẫn “tính chất, mức độ” tại điều khoản này là “tính chất, mức độ” về tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm hành chính hay “tính chất, mức độ” về thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra; đồng thời, việc đánh giá, xác định và căn cứ “tính chất, mức độ” sẽ được thực hiện như thế nào cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn?
- Thứ hai, Nghị định quy định việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào “điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế”. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP, Chính phủ chỉ quy định “Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân bị cưỡng chế để làm căn cứ ra quyết định cưỡng chế” khi xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập. Đối với việc áp dụng 03 biện pháp cưỡng chế còn lại thì chưa có quy định phải tổ chức xác minh thông tin để làm căn cứ ra quyết định cưỡng chế. (kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả).
- Thứ ba, Nghị định quy định việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào “tình hình thực tế ở địa phương”. Tuy nhiên, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, hướng dẫn “tình hình thực tế ở địa phương” là gì và người có thẩm quyền phải căn cứ, áp dụng “tình hình thực tế ở địa phương” vào quá trình quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế như thế nào?
Những khó khăn, vướng mắc này xuất phát từ quy định của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc áp dụng tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung, nâng cao hiệu lực của quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói riêng và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn như đã phân tích, đề xuất hoàn thiện quy định để đảm bảo nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng: Bổ sung quy định hướng dẫn việc xác định và áp dụng căn cứ “tính chất, mức độ”; bổ sung quy định phải tổ chức xác minh thông tin để làm căn cứ ra quyết định cưỡng chế khi áp dụng 04 biện pháp cưỡng chế tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung hướng dẫn thế nào là “tình hình thực tế ở địa phương” và áp dụng“tình hình thực tế ở địa phương” vào quá trình quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cho phù hợp với thực tiễn.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây