Góp ý dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Thứ ba - 09/08/2022 16:12 491 0
Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản số 1203/SNV-CCVC ngày 15/7/2022 v/v góp ý dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Nghị định nói trên. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Văn phòng Sở và Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Nghị định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Nghị định này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung, hình thức và thẩm quyền thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào làm công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như: Đề nghị chỉnh sửa quy định về điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức là người “đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục” thì không được đăng ký kiểm định chất lượng đầu vào công chức vì khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định biện pháp xử lý hành chính “đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục”; đề nghị xem xét quy định thời gian các bộ, ngành, địa phương gửi kế hoạch kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho Bộ Nội vụ là trước ngày 31 tháng 01 hàng năm, để Bộ Nội vụ đưa vào kế hoạch tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức chung cho cả nước; đề nghị xem xét, cân nhắc lại quy định về nội dung kiểm định chất lượng đầu vào công chức vì nội dung kiểm định như vậy là quá nhiều, quá rộng, không đảm bảo tính khả thi khi áp dụng thực hiện, nhất là đối với các đối tượng thi tuyển vào công chức cấp xã tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người; đề nghị xem xét, quy định thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhằm đảm bảo phù hợp với quy định về thi tuyển công chức tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP; đề nghị xem xét đến mục đích của việc phân loại thí sinh tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức và chế độ ưu tiên đối với các thí sinh tham gia kiểm định đạt loại giỏi, loại xuất sắc; đề nghị cân nhắc bổ sung quy định số người tham gia ý kiến để buổi làm việc của Hội đồng kiểm định được hợp lệ, trên cơ sở đó mới quy định “trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng”; đề nghị xem xét chỉnh sửa thời hạn sử dụng kết quả kiểm định nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế tại địa phương vì thời gian tổ chức thi tuyển công chức ở địa phương thường từ 24 đến 36 tháng; đề nghị xem xét đến trường hợp người đăng ký kiểm định thay cho người khác thì có bị hủy bỏ kết quả kiểm định hay không vì hiện tại, dự thảo Nghị định chưa quy định trường hợp này.

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây