Thời gian qua, việc triển khai Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí và hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2020/NĐ-CP) đã phát sinh một số khó khăn nhất định trong việc tra cứu áp dụng. Mặt khác, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cần phải sửa đổi, hoàn thiện theo hệ thống Luật Giá năm 2023 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 cho phù hợp. Do vậy, việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá là thật sự cần thiết và phù hợp với thực tế phát sinh trong lĩnh vực giá và thẩm định giá.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như:
Về đối tượng áp dụng: Đề nghị quy định cụ thể các tổ chức là đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm những chủ thể nào nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính là “Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”.
Về đăng tải thông tin vi phạm: Đề nghị quy định thời gian thực hiện đăng tải thông tin vi phạm phù hợp theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính là “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành”.
Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ: Đề nghị chọn Phương án 2 “Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện kê khai đối với mức giá đã thực hiện theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này. Buộc trả lại cho khách hàng hoặc nộp vào Ngân sách nhà nước tiền chênh lệch của mức giá giữa các lần tăng giá và mức giá lần đầu phải kê khai hoặc kê khai lại”. Bởi vì, số lợi thu được từ việc không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là số lợi bất hợp pháp nên phải trả lại cho khách hàng hoặc nộp vào Ngân sách nhà nước. Đồng thời, nếu chọn Phương án 2 thì nên xem xét lại các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị định cho thống nhất.
Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về định giá hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Đề nghị quy định cụ thể thế nào là “trường hợp khó xác định được khách hàng” trong quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về định giá hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để dễ áp dụng thực hiện trong thực tiễn thi hành pháp luật.