Góp ý dự thảo Luật Mua bán người

Thứ hai - 06/11/2023 12:40 1.003 0
Theo đề nghị của Công an tỉnh; vừa qua, Sở Tư pháp đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Luật Mua bán người. Thành phần tham dự cuộc họp bao gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, Phó các phòng thuộc Sở; Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và Quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Góp ý dự thảo Luật Mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế về mua bán người…, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người. Do vậy, việc xây dựng Luật Mua bán người để thay thế cho Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Luật như:
Về các hành vi bị nghiêm cấm: Đề nghị xem xét, bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là hành vi “Giả mạo là người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” vì nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau. Về quyền và nghĩa vụ của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân: Đề nghị quy định riêng quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân và nghĩa vụ của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân để nội dung quy định được rõ ràng, dễ áp dụng thực hiện vì hiện tại, Dự thảo quy định chung quyền và nghĩa vụ nên rất khó áp dụng, nhất là đối với các đối tượng là nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân mua bán người. Về xác định nạn nhân bị mua bán trong nước: Đề nghị xác định cụ thể điều kiện để xác định là nạn nhân là gì, điều kiện này được quy định tại điều khoản nào trong Dự thảo (vì Điều 29 Dự thảo chỉ quy định về căn cứ để xác định nạn nhân và nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân) và nội dung của giấy xác nhận nạn nhân được quy định tại văn bản nào để dễ áp dụng thực hiện. Về cơ quan xác nhận nạn nhân: Đề nghị xem xét, quy định thống nhất cơ quan xác nhận nạn nhân mua bán người tại khoản 5 Điều 25 và khoản 4 Điều 24 dự thảo Luật vì hiện tại, khoản 5 Điều 25 quy định cơ quan giải cứu xác nhận nạn nhân, khoản 4 Điều 24 lại quy định cơ quan đã tiến hành xác minh cấp giấy xác nhận nạn nhân. Về hỗ trợ chi phí phiên dịch: Đề nghị xem xét, chỉnh sửa lại quy định về hỗ trợ chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân vì trong thực tế thì việc hỗ trợ chi phí phiên dịch đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số được thực hiện cho đến khi họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.               

Tác giả bài viết: Thu Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây