Thời gian qua, trong quá trình thi hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, các bộ, ngành, địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: Quy định về lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL (các trường hợp phải lập đề nghị, yêu cầu đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL,…); quy định về soạn thảo văn bản QPPL (trách nhiệm của Ban soạn thảo, việc lập, công bố văn bản QPPL hết hiệu lực, việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn,…); quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản QPPL và một số biểu mẫu kèm theo; quy định về kiểm tra, xử lý văn bản QPPL,... Do vậy, với những lý do nêu trên và trước yêu cầu của tình hình mới, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP là thật sự cần thiết.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đã tham gia góp ý về một số vấn đề chính trong dự thảo Nghị định như:
Đề nghị xem xét, bổ sung vào Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nội dung giải thích từ ngữ đối với cụm từ “văn bản quy định chi tiết”. Bởi vì, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị định hướng dẫn thi hành có nhiều điều khoản quy định về các vấn đề pháp lý liên quan đến văn bản quy định chi tiết như trách nhiệm về lập danh mục, dự thảo văn bản, nhất là việc xác định hiệu lực văn bản... Tuy nhiên, hiện nay, chưa có giải thích từ ngữ về “văn bản quy định chi tiết” (Điều 11 Luật không định nghĩa). Điều này dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm “văn bản quy định chi tiết”, có sự nhầm lẫn giữa văn bản quy định chi tiết và văn bản quy định chính sách, biện pháp đảm bảo thi hành luật, nghị định, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, vì về thẩm quyền và phạm vi thì các văn bản này đều là văn bản QPPL quy định cụ thể các nội dung được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.
Đề nghị xem xét lại nội dung “Biện pháp có tính chất đặc thù là biện pháp riêng biệt để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của địa phương, chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành…” vì hệ thống văn bản QPPL bao gồm cả nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp ở các địa phương trên phạm vi cả nước. Do vậy, nên quy định rõ phạm vi “chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành” có bao gồm nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND các cấp tại địa phương hay không.
Đề nghị xem xét, quy định việc tác động của chính sách với hệ thống pháp luật phải được đánh giá trên cơ sở kết quả rà soát, so sánh, đánh giá những văn bản QPPL khác có quy định liên quan đến nội dung của dự thảo văn bản. Quy định này nhằm tăng thêm trách nhiệm cho cơ quan soạn thảo trong việc rà soát nội dung dự thảo với văn bản QPPL hiện hành; đồng thời, hạn chế tình trạng chồng chéo, mẫu thuẫn, thường xuyên sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL. Bởi vì, trong thực tế, nhiều nội dung trong luật, nghị định, thông tư mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không rõ ràng; một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do thực hiện chưa tốt việc rà soát, so sánh, đánh giá những văn bản QPPL khác có quy định liên quan đến nội dung của dự thảo văn bản.
Về Mẫu Báo cáo đánh giá tác động chính sách: Thông thường, các nội dung chính sách quy định trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đơn giản hơn so với chính sách quy định trong các văn bản QPPL của Trung ương. Việc quy định các nội dung đánh giá tác động chính sách như hiện nay để áp dụng chung cho cả các văn bản của Trung ương và địa phương là chưa phù hợp, dẫn đến các cơ quan tham mưu soạn thảo văn bản ở địa phương gặp nhiều khó khăn vì không đủ nguồn lực để thực hiện, chất lượng báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa cao. Do vậy, Ban soạn thảo nên xem xét, xây dựng mẫu Báo cáo đánh giá tác động chính sách riêng cho văn bản của Trung ương và địa phương để dễ áp dụng thực hiện.
Đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 1 Điều 61 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP “Căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành”. Bởi vì, thực tế có một số văn bản cá biệt của cấp trên có nội dung phân cấp cho cấp dưới quy định cụ thể, theo đó, nội dung văn bản của cấp dưới khi ban hành có chứa quy phạm pháp luật nhưng không thể căn cứ văn bản cá biệt của cấp trên để làm căn cứ ban hành (Ví dụ: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Chính phủ ban hành bằng hình thức văn bản cá biệt, trong đó có giao cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể một vấn đề nào đó).