1. Người đứng đầu các phòng, đơn vị phải có giải pháp thiết thực, hành động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là những nhiệm vụ mang tính đổi mới, sáng tạo đáp ứng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kế hoạch số 15-KH/TU ngày 27 tháng 12 năm 2021 về thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
2. Chỉ đạo quán triệt đến công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý tập trung nghiên cứu, nắm chắc các văn bản, quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Sở Tư pháp đối với các nội dung liên quan đến công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong năm 2022; trong đó, cần tập trung vào các chỉ tiêu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gắn với phát huy vai trò của Người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, động viên, biểu dương, khen thưởng và nghiêm khắc xem xét trách nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
3. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện, phản ánh thông tin về Sở Tư pháp (qua Văn phòng Sở) để xem xét, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu, đề xuất việc phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời hơn và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, người dân thì đề xuất giao cho cấp đó thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác rà soát, đánh giá, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là tập trung đề xuất thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu quản lý hoặc thông qua việc đề xuất đổi mới phương thức phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo hướng tăng cường tính chủ động phục vụ doanh nghiệp, tổ chức, người dân mà không phải chờ “xin - cho” hoặc “đề nghị - giải quyết”.
4. Đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động phản ánh, trao đổi thông tin và kịp thời có văn bản phúc đáp các đề nghị phối hợp giải quyết công việc nhằm chấm dứt tình trạng tham mưu, đề xuất quá thời hạn được giao, để tồn đọng nhiệm vụ, hồ sơ công việc vì các nguyên nhân mang tính chủ quan, nhất là liên quan đến tinh thần, thái độ thực thi công vụ của công chức, viên chức. Các hồ sơ trình giải quyết công việc phải có ý kiến tham gia, thể hiện quan điểm, chính kiến của đầy đủ các cơ quan, đơn vị có liên quan; cơ quan, đơn vị chủ trì phải tổng hợp đầy đủ, báo cáo cụ thể trong nội dung Tờ trình các trường hợp không kịp thời hoặc không gửi văn bản tham gia ý kiến.
5. Giao Văn phòng Sở chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo định kỳ hằng tháng về tình hình, kết quả thực hiện Công văn này để Giám đốc Sở xem xét, chỉ đạo.