Theo Đề cương định hướng, bên cạnh tiếp tục kế thừa một số quy định phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả của Luật Luật sư hiện hành, sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định thuộc 03 nhóm chính sách lớn gồm: Xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; chuẩn hóa hình thức, phạm vi hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển, đồng thời bảo đảm phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh ở Việt Nam; nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề.
Đề cương định hướng xây dựng Luật luật sư (sửa đổi) có 94 Điều, trong đó có một số nội dung cơ quan chủ trì soạn thảo nên cân nhắc thêm để đảm tính chặt chẽ, thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Luật sư cũng như hoạt động quản lý nhà nước đối với Luật sư, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về người được miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư (Điều 16), được định hướng sửa đổi theo 02 phương án (1) Quy định về một số đối tượng được miễn, giảm tập sự hành nghề luật sư; (2) Không được miễn, chỉ giảm thời gian tập sự đối với một số đối tượng).
Tập sự hành nghề luật sư là quá trình những người đã được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư được những luật sư có kinh nghiệm hướng dẫn thực hành, rèn luyện những kỹ năng nghiên cứu, bào chữa, bảo vệ, tư vấn cho khách hàng, được bồi dưỡng về nguyên tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp để chuẩn bị cho việc hành nghề luật sư chính thức. Những kiến thức, kỹ năng này cần phải được tập sự thực hành ở các tổ chức hành nghề luật sư, miễn tập sự hành nghề luật sư sẽ không đảm bảo chất lượng về nghiệp vụ, kỹ năng của luật sư. Do đó, tất cả các đối tượng cần phải được tập sự hành nghề nhằm đảm bảo khi luật sư hành nghề chính thức thì luật sư có đầy đủ các điều kiện cần thiết, quan trọng về trình độ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
Giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư sẽ được áp dụng đối với một số đối tượng như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp, cao cấp … là phù hợp với thực tiễn, để công nhận kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của họ; tuy nhiên, các kỹ năng hành nghề luật sư như bào chữa, tư vấn, bảo vệ quyền lợi….thì cần phải thực hành, rèn luyện để chuẩn bị cho việc hành nghề chính thức. Do đó, không nên quy định miễn tập sự hành nghề luật sư.
Thứ hai, về hình thức hành nghề luật sư (Điều 23): Cơ quan chủ trì soạn thảo định hướng sửa đổi luật sư chỉ được lựa chọn 01 trong 03 hình thức hành nghề đó là thành lập/tham gia thành lập 01 tổ chức hành nghề luật sư hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân là phù hợp với thực tiễn.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc bổ sung thêm 1 điều quy định cụ thể đối với hình thức luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư. Bởi vì: Đề cương định hướng có 03 hình thức hành nghề, theo đó tại mục III Chương II từ Điều 29 đến Điều 45 quy định cụ thể về hình thức hành nghề là tổ chức hành nghề luật sư; mục IV Chương II từ Điều 46 đến Điều 49 quy định cụ thể về hình thức hành nghề với tư cách cá nhân. Nhưng không có điều khoản nào quy định cụ thể đối với hình thức luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư. Vấn đề này có thể được lý giải rằng hình thức này được quy định lồng ghép trong mục III về việc tổ chức hành nghề luật sư ký hợp đồng lao động với một luật sư. Rõ ràng đây là một hình thức hành nghề luật sư và các vấn đề liên quan đến hình thức hành nghề này cần được quy định một cách cụ thể, như quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư, quyền và nghĩa vụ của luật sư ký hợp đồng lao động, việc đăng ký hành nghề luật sư sau khi ký hợp đồng lao động với tổ chức hành nghề luật sư...
Hơn nữa, Luật luật sư có hai Điều rất quan trọng liên quan đến hình thức hành nghề này, đó là Điều 18 quy định một trong những trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp luật sư không làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư; và điểm a khoản 3 Điều 32 quy định một trong những điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư là phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư. Do vậy, cần thiết phải bổ sung điều khoản quy định cụ thể về việc đăng ký hành nghề đối với hình thức làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước đối với hình thức hành nghề này.
Thứ ba, về Chứng chỉ hành nghề luật sư: Theo Điều 17 và Điều 19 Đề cương định hướng bổ sung quy định Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 05 hoặc 10 năm và gia hạn Chứng chỉ hành nghề luật sư khi hết thời hạn 05 hoặc 10 năm.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc thêm quy định này, bởi vì: Để được cấp Chứng chỉ hành nghề, theo định hướng của Đề cường, ngoài các tiêu chuẩn chung về đạo đức, chính trị, sức khoẻ, trình độ chuyên môn; luật sư phải được đào tạo nghề trong 12 tháng, trãi qua thời gian tập sự hành nghề 12 tháng và phải đỗ kỳ thi luật sư quốc gia. Như vậy, một luật sư được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện cần thiết.
Trong quá trình hành nghề, luật sư phải tuân thủ các nghĩa vụ bắt buộc trong việc tham gia bồi dưỡng về tư tưởng, lý luận chính trị, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ. Những quy định này đã đảm bảo rằng, luật sư luôn luôn được cập nhật các kiến thức, kỹ năng cần thiết đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho quá trình hành nghề.
Điều 18 Luật luật sư hiện hành và dự thảo Đề cương đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề khi luật sư khi luật sư không còn đủ tiêu chuẩn, bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt, bị kết án…Những quy định này thể hiện đội ngũ luật sư luôn luôn được kiểm tra, thanh tra, xử lý trong trường hợp không đủ tiêu chuẩn, vi phạm, kỹ luật.
Do vậy, cần làm rõ thêm về tính cần thiết, phù hợp khi bổ sung quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề luật sư, đặc biệt xem xét sự thống nhất của quy định này với các quy định về cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề, nghĩa vụ bắt buộc về đào tạo, bồi dưỡng của luật sư… để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Thứ tư, gia nhập Đoàn luật sư (Điều 20), Đề cương định hướng sửa đổi thời điểm gia nhập Đoàn Luật sư khi đăng ký tập sự (trở thành luật sư tập sự) thay vì thời điểm sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư như Luật Luật sư hiện hành.
Thời gian tập sự hành nghề luật sư chỉ trong 12 tháng, điều này có nghĩa chức danh nghề nghiệp luật sư tập sự chỉ tồn tại trong thời gian 12 tháng đối với mỗi cá nhân. Luật sư tập sự chưa đủ điều kiện hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 11 của Luật, mà hết thời gian tập sự, luật sư tập sự phải tham gia kỳ thi luật sư quốc gia để được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Do vậy, việc quy định luật sư tập sự phải gia nhập Đoàn Luật sư là không tương thích với các quy định khác liên quan đến luật sư tập sự. Luật luật sư hiện hành quy định người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư là phù hợp.
Ngoài ra, việc quy định luật sư tập sự bắt buộc gia nhập Đoàn luật sư gắn liền với một số quyền hạn, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, Đoàn luật sư, Liên đoàn sư như: điều kiện hành nghề, thu hồi chứng chỉ hành nghề, thành viên Đoàn luật sư, trang phục...Do vậy, khi sửa đổi luật sư tập sự phải gia nhập Đoàn luật sư thì cần phải rà soát để sửa đổi các điều khoản liên quan trong Luật. Tuy nhiên, ngoài sửa đổi, bổ sung để làm rõ khái niệm luật sư tập sự ở Điều 1, quy định cụ thể hơn về các công việc luật sư tập sự được làm ở Điều 14 thì Đề cương chưa có định hướng sửa đổi, bổ sung các điều khoản có liên quan khác.