Thời hạn, thời hiệu và một số vấn đề cần lưu ý khi ban hành quyết định cưỡng chế

Thứ sáu - 02/08/2024 15:43 435 0
Ban hành quyết định cưỡng chế là một biện pháp được người có thẩm quyền áp dụng để buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phải thi hành quyết định. 
Việc ban hành quyết định cưỡng chế được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (sau đây gọi chung là Luật); Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính này không có điều khoản nào quy định cụ thể về thời hạn, thời hiệu ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, để xác định thời điểm ban hành quyết định cưỡng chế phù hợp thì người có thẩm quyền phải căn cứ vào các quy định sau:
1. Điều 86 Luật quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
“a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này;
b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 85 của Luật này.”.
2. Tại khoản 1 Điều 73 Luật quy định thời hạn tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt như sau:“Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.”.
3. Ngoài ra, một số điều khoản khác của Luật cũng quy định về thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, gồm:
Khoản 2 Điều 68 Luật quy định: “Thời hạn thi hành quyết định là 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt; trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Khoản 1 Điều 78 Luật quy định: Trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 68 hoặc khoản 2 Điều 79 của Luật này, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp tiền phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Đối với trường hợp không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tại khoản 5 Điều 85 Luật quy định: “Trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nếu không hoàn trả thì bị cưỡng chế thực hiện.”.
Theo các quy định nêu trên, khi hết thời hạn tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt đã được người có thẩm quyền ghi trong quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định thì người có thẩm quyền sẽ xem xét, ban hành quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt. Quyết định cưỡng chế có thể được ban hành ngay sau khi hết thời hạn tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt hoặc có thể lâu hơn sau khi đã xác minh được các điều kiện cần thiết để làm căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế.
Thời điểm để tính thời hạn tự nguyên chấp hành được tính từ thời điểm cá nhân, tổ chức nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, để có căn xác định thời điểm ban hành quyết định, thì khi giao quyết định xử phạt phải có biên bản thể hiện rõ ràng về thời gian giao; trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt từ chối nhận quyết định xử phạt thì lập biên bản về việc cá nhân, tổ chức vi phạm không nhận quyết định xử phạt (Mẫu biên bản số 06 Phụ lục kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).
4. Pháp luật hiện hành không quy định về thời hiệu ban hành quyết định cưỡng chế nhưng tại khoản 2a Điều 88 Luật quy định “Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật này; quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.”
Do vậy, khi ban hành hoặc tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, cần phải đảm bảo về thời gian để tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phù hợp với quy định về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế.

Tác giả bài viết: Trần Thị Túy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây