Tìm hiểu pháp luật: Những nội dung cơ bản về chế định Thừa phát lại

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 1.632 0
Chế định Thừa phát lại đã có từ lâu đời tại một số quốc gia trên thế giới. Tại miền Nam hoạt động, chức năng của Thừa phát lại đã được áp dụng trước 30/4/1975 nên thuật ngữ Thừa phát lại quen thuộc với nhiều công dân đã sinh sống tại đây trước 30/4/1975. Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, chế định này đã chấm dứt không còn hoạt động.

            Ngày nay, theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước nhằm góp phần làm cho nền hành chính tư pháp phù hợp và đáp ứng tốt hơn sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng XHCN và dân chủ hóa đời sống xã hội, chế định Thừa phát lại tiếp tục được nghiên cứu thực hiện và tổ chức thí điểm tại một số địa phương. Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua việc triển khai thí điểm thực hiện, mặc dù thời gian thí điểm chưa dài nhưng qua tổng kết cho thấy, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. Vì vậy, ngày 23/11/2012, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại. Nội dung của Nghị quyết có quy định: “Giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015” và “Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới”. Trên cơ sở đó, ngày 18/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo nội dung của Nghị định thì chế định Thừa phát lại không chỉ được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh mà đã được mở rộng, triển khai thực hiện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với nhiều người dân. Hầu hết các công việc Thừa phát lại được làm đều đang do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vì vậy, người dân chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình. Nhằm xác định rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Thừa phát lại, bài viết này xin giới thiệu những nội dung cơ bản về chế định Thừa phát lại theo các quy định của pháp luật hiện hành.

         Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia thì: “Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Đây là một ngành nghề trong xã hội. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (Người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước) và chấp hành viên”. Còn theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì: “Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định pháp luật. Trong đó, Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Đồng thời Nghị định đã quy định nội dung công việc thừa phát lại được làm; Tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại; Các hình thức, trình tự, thủ tục và điều kiện cho Thừa phát lại hoạt động như sau:

 1. Công việc Thừa phát lại được làm bao gồm 4 nhóm việc: Thực hiện việc tống đạt các văn bản theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự (Văn phòng Thừa phát lại ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với Tòa án nhân dân và Cơ quan thi hành án dân sự); Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
 2. Về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại
 Pháp luật quy định cụ thể 6 điều kiện để bổ nhiệm Thừa phát lại như sau:
 - Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;
 - Không có tiền án; Có bằng cử nhân luật;
 - Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên;         - Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức và không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.
 Về thủ tục bổ nhiệm, việc bổ nhiệm được thực hiện theo thủ tục: Người muốn được bổ nhiệm làm Thừa phát lại phải có hồ sơ nộp tại Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
 -  Đơn xin bổ nhiệm làm Thừa phát lại;
 - Giấy chứng nhận sức khỏe; lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp; bản sao các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định.
 Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, nếu thấy có đủ điều kiện thì đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét bổ nhiệm Thừa phát lại trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị. Trường hợp từ chối thì các cơ quan phải trả lời bằng văn bản cho người nộp đơn xin làm Thừa phát lại. Người được bổ nhiệm làm Thừa phát lại được Bộ Tư pháp cấp thẻ Thừa phát lại. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, Thừa phát lại có thể bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:
 - Miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân Thừa phát lại.
 - Hoặc bị miễn nhiệm trong các trường hợp: Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định để hoạt động Thừa phát lại; Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;  Không hành nghề Thừa phát lại kể từ ngày được bổ nhiệm từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng;  Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm; Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
 - Việc miễn nhiệm Thừa phát lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định hoặc theo đề nghị của Sở Tư pháp. Việc miễn nhiệm phải tuân thủ về thời gian, trình tự, hồ sơ đề nghị để làm căn cứ cho việc miễn nhiệm. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại và quyết định thu hồi thẻ Thừa phát lại.
 Ngoài việc bị miễn nhiệm, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, Thừa phát lại có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu có thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền xử lý vi phạm bằng hình thức miễn nhiệm và thu hồi thẻ Thừa phát lại. Việc xử lý về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.
 3. Về hình thức hình thức, trình tự, thủ tục và điều kiện cho Thừa phát lại hoạt động
 Về hình thức hoạt động, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Thừa phát lại hoạt động thông qua hình thức Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lạilà tổ chức hành nghề của Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng. Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm Nghị định quy định Văn phòng Thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.
 Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đảm bảo các điều kiện:
 - Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động.
 - Tổ chức bộ máy Văn phòng Thừa phát lại đảm bảo gồm: Trưởng Văn phòng phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại. Thừa phát lại có thể là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại hoặc Thừa phát lại có thể làm việc theo hợp đồng tại văn phòng Thừa phát lại. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý, Nhân viên kế toán và  Nhân viên hành chính khác (nếu có). Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy và do Bộ Công an quy định. Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành, chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này, trong trường hợp Nghị định này không quy định thì áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp.
Văn phòng Thừa phát lại được thành lập theo thủ tục là phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp tại Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ,thành phố, trực thuộc trung ương quyết định thành lập. Hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
- Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại, trong đó nêu rõ về sự cần thiết thành lập; dự kiến về tổ chức, tên gọi; bộ máy giúp việc, trong đó nêu rõ số lượng, chức danh, trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị của họ; địa điểm đặt trụ sở; các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện. Kèm theo đề án phải có các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
- Bản sao quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại.
Sở Tư pháp thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp phải thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Sau khi thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải Đăng ký hoạt động thì mới đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc hoạt động. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.Việc đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại phải có đủ các điều kiện:
- Phải mở tài khoản và đăng ký mã số thuế;
- Phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi Thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh;
- Các tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định.
- Khi đăng ký hoạt động phải có đơn đăng ký hoạt động và giấy tờ chứng minh điều kiện đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.
 Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp giấy đăng ký hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng báo Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung: Tên gọi, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; Họ, tên, số quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại hành nghề trong Văn phòng Thừa phát lại; Số, ngày, tháng, năm cấp giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động và ngày bắt đầu hoạt động. Trong trường hợp được cấp lại giấy đăng ký hoạt động do thay đổi trụ sở, tên gọi, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng báo những nội dung giấy đăng ký hoạt động được cấp lại theo quy định như đăng ký lần đầu. Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động. Người thành lập Văn phòng Thừa phát lại không được chuyển nhượng, cho thuê lại Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình hoạt động.    
 Về vấn đề xử lý vi phạm đối với Văn phòng Thừa phát lại thì Nghị định quy định: Tùy tính chất và mức độ vi phạm, Văn phòng Thừa phát lại có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức: Tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 12 tháng; Đình chỉ hoạt động và thu hồi quyết định cho phép thành lập văn phòng Thừa phát lại. Việc vi phạm của văn phòng Thừa phát lại có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử lý các vi phạm này là Giám đốc Sở Tư  pháp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi có trụ sở Văn phòng Thừa phát lại hoạt động và các chức danh khác theo quy định của pháp luật.
 Ngoài các nội dung như trên, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phạm vi thực hiện công việc Thừa phát lại. Cụ thể:
 - Tống đạt văn bản của cơ quan Thi hành án dân sự và của Tòa án bao gồm các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi tống đạt; Giao, nhận văn bản tống đạt; Thủ tục tống đạt và Thỏa thuận về việc tống đạt.
 - Lập vi bằng bao gồm các nội dung:Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng; Thủ tục lập vi bằng; Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng; Giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập và Thỏa thuận về việc lập vi bằng.
 - Xác minh thi hành án bao gồm các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án; Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án; Sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án và Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án.
 - Trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự bao gồm các nội dung: Thẩm quyền, phạm vi thi hành án của Thừa phát lại; Quyền yêu cầu thi hành án; Thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại; Quyết định thi hành án; Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; Áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường hợp huy động lực lượng bảo vệ; Chi phí cưỡng chế thi hành án; Thanh toán tiền thi hành án; Chấm dứt việc thi hành án và Thỏa thuận về thi hành án.
 Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động Thừa pháp lại, các Nghị định cũng quy định: Đương sự và những người liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thừa phát lại trong việc trực tiếp thi hành án dân sự và tống đạt, nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích của mình. Đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật có liên quan./.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây