So với quy định hiện hành, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:
(i) Về đối tượng áp dụng, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bổ sung đối tượng áp dụng là công chức trong cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời, bãi bỏ quy định áp dụng là công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.
(ii) Nghị định số 89/2021/NĐ-CP quy định hình thức bồi dưỡng gồm: bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã và bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Như vậy, so với Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP không còn quy định về hình thức bồi dưỡng tập sự và hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (thời gian thực hiện tối thiểu là 01 tuần/01 năm; một tuần được tính bằng 05 ngày học, một ngày học 08 tiết) đối với cán bộ, công chức, viên chức.
(iii) Nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức theo Nghị định số 89/2021/NĐ-CP bao gồm: lý luận chính trị; kiến thức quốc phòng và an ninh; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm; bãi bỏ quy định về nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ và nội dung bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, công chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức trước khi bổ nhiệm ngạch; viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
(iv) Bổ sung quy định về điều khoản áp dụng, cụ thể:
- Người làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong phạm vi cả nước, theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao được áp dụng quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức;
- Người làm việc trong đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được áp dụng quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.
Ngoài ra, Nghị định 89/2021/NĐ-CP còn sửa đổi, bổ sung một số quy định về chương trình, tài liệu bồi dưỡng; yêu cầu tham gia các chương trình bồi dưỡng; quản lý chương trình bồi dưỡng; thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu bồi dưỡng; chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; phân công tổ chức bồi dưỡng; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của người được mời thỉnh giảng; kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định 89/2021/NĐ-CP.
Nghị định 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2021./.