Nghiên cứu, trao đổi: Nên hay không nên công nhận quan hệ hôn nhân của những người cùng giới tính

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 265 0
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã kế thừa và phát huy những thành tựu của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, 1986. Thực tế thi hành Luật trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả: Góp phần quan trọng vào việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; Luật còn tạo hành lang pháp lý góp phần thiết lập và bảo đảm sự an toàn cho các quan hệ tài sản, nhân thân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người và công dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đất nước có nhiều đổi mới, các mối quan hệ trong đời sống xã hội có sự phát sinh, thay đổi, đa dạng và phong phú, Luật Hôn nhân và Gia đình đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế, một số quan hệ  đang tồn tại trong thực tiễn nhưng chưa được Luật quy định hoặc quy định chưa cụ thể.  
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ trao đổi một số nội dung liên quan đến việc có nên quy định hay không quy định chế định hôn nhân của những người cùng giới tính trong dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước ta nên thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính trong Luật Hôn nhân và Gia đình để ngăn ngừa sự kỳ thị đối với những người cùng giới tính, hơn nữa tạo hóa đã sinh ra họ không được bình thường như những người khác, họ đã chịu nhiều thiệt thòi và họ muốn được chung sống như vợ chồng như những người bình thường khác, do đó pháp luật nên thừa nhận quan hệ hôn nhân của họ là hợp pháp và đưa chế định này vào Luật để được Nhà nước bảo vệ. Và cũng có ý kiến khác cho rằng, quan hệ hôn nhân của những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta; do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định của Luật hiện hành.
      Qua nghiên cứu kinh nghiệm về vấn đề này ở một số nước cho thấy, nhiều nước cũng đã giải quyết quan hệ hôn nhân của những người cùng giới tính nhưng phải có lộ trình, trước hết Nhà nước không nên cấm mà nên thừa nhận việc chung sống của họ. Ví dụ: Canađa thừa nhận quyền chung sống của người cùng giới vào năm 1999, đến năm 2005 mới được thừa nhận quyền hôn nhân; Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp; Cộng hòa Pháp thừa nhận quyền chung sống của người cùng giới từ năm 1999, đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân; Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân cùng giới nhưng đã hợp pháp quan hệ cùng giới năm 1997 (Trung Quốc), năm 2009 (Ấn Độ).
Việt Nam có quan niệm truyền thống lâu đời về phong tục, tập quán kết hôn giữa nam và nữ trong quan hệ tình cảm của những người khác giới, điều đó cũng đồng nghĩa với việc công nhận người nữ là vợ, người nam là chồng; ngoài các mục đích khác thì mục đích của hôn nhân là nhằm duy trì nòi giống cho tổ tiên, họ tộc và bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của quốc gia. Như vậy, việc hai người cùng giới tính có quan hệ hôn nhân thì ai là vợ, ai là chồng và khả năng sinh con của họ sẽ ra sao??? (Nếu như không có sự can thiệp từ bên ngoài) và mục đích của hôn nhân có thực hiện được hay không? Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay Nhà nước thừa nhận quan hệ hôn nhân của những người cùng giới tính và quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình là quá sớm và chưa phù hợp với quan niệm về hôn nhân của người Việt. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, đã có một số cặp cùng giới tính sống chung với nhau như vợ chồng. Vậy pháp luật Việt Nam nên điều chỉnh mối quan hệ này như thế nào? Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị.
Từ những phân tích trên, theo tôi trong định hướng sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nhà nước ta chưa nên thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính mà phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận vấn đề này một cách thật kỹ lưỡng trên nhiều góc độ khác nhau và cũng phải có lộ trình, bước đi phù hợp. Trước mắt, Nhà nước nên thừa nhận họ được sống chung với nhau trong quan hệ dân sự như: Cùng sở thích, cùng hoàn cảnh để họ động viên nhau, chia xẻ những khó khăn và niềm vui trong cuộc sống, giúp họ không cô đơn, bị kỳ thị trong xã hội và quyền con người của họ được bảo đảm; đồng thời Luật quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính khi họ có nhu cầu sống chung với nhau (như pháp luật Hà Lan năm 1998) và quy định bổ sung chế định về việc giải quyết hậu quả pháp lý của những người cùng giới tính có đăng ký sống chung khi họ xin thôi không sống chung (chủ yếu là giải quyết về tài sản). Luật quy định như vậy là vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và cũng tôn trọng phong tục tập quán của dân tộc ta trong quan hệ hôn nhân, gia đình và cũng nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của những người cùng giới tính và giúp cho các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp trong mối quan hệ đặc thù này./.   

Tác giả bài viết: Trần Văn Sang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây