Sở Tư pháp Bình Định: Tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 82 0
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tại Văn bản số 488/BTP-PBGDPL ngày 20/02/2017, 700/UBND-NC ngày 24/02/2017 về việc góp ý dự thảo Quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 28/02/2017, Sở Tư pháp Bình Định đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Quyết định ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia của hơn 20 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh.

Tại Hội nghị, các ý kiến góp ý được tập trung chủ yếu vào 03 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đó là cách thức xây dựng chương trình, các nguồn lực, điều kiện đảm bảo và cơ chế tổ chức thực hiện chương trình.

Theo đó, đa số ý kiến đề nghị Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 chỉ nên ban hành dưới dạng Chương trình khung để trên cơ sở đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án cụ thể mà không nên cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của các Đề án ngay trong Chương trình. Với cách quy định như vậy, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ thể hiện được tính bao quát, tổng thể, toàn diện trong cả giai đoạn 2017-2021 và các Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành sẽ chi tiết, cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.  

Về các nguồn lực và điều kiện đảm bảo, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục thực hiện theo cơ chế tài chính hiện hành. Trong đó, ngân sách nhà nước cấp cho việc triển khai thực hiện Chương trình và các Đề án thuộc Chương trình theo phân cấp ngân sách trung ương và địa phương. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương này triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, Đề án. Quy định phân tách cụ thể ngân sách đảm bảo đối với từng cấp trung ương và địa phương sẽ giúp cho các địa phương chủ động hơn trong việc bố trí kinh phí, các nguồn lực cần thiết đảm bảo cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Về cơ chế tổ chức, thực hiện Chương trình, đa số ý kiến đề nghị nên giao cho các bộ, ngành, địa phương chủ trì thực hiện Chương trình và các Đề án như trước đây để đảm bảo tính chuyên sâu, hiệu quả của các Chương trình, Đề án.

Đồng thời, các đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp vào các mục tiêu cụ thể của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 như cần phân ra lộ trình, giai đoạn nhỏ đối với từng mục tiêu để có sơ kết, đánh giá và điều chỉnh kịp thời đảm bảo đạt được mục tiêu Chương trình đề ra vào năm 2021; nâng tỷ lệ phần trăm của các mục tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân; Báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; nạn nhân bạo lực gia đình; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộclên mức cao nhất là 100%,…./.

Tác giả bài viết: N.C

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây