Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe phổ biến những nội dung chính, những điểm mới, sửa đổi bổ sung của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đây là hai đạo luật quan trọng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, khóa XIII. Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có 10 phần, 42 chương, 517 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. So với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 giữ nguyên 63 điều; sửa đổi, bổ sung 350 điều; bổ sung mới 104 điều; bãi bỏ 7 điều.Bộ luật Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là thể chế chiến lược cải cách tư pháp, đổi mới, cải cách thủ tục tố tụng dân sự theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn, giải quyết các vụ việc dân sự nhanh chóng, kịp thời.
Quang cảnh Hội nghị
Để hai đạo luật này sớm đi vào cuộc sống của người dân, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, phổ biếnnhững nội dung và điểm mới của hai Bộ luật này đến các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cần tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và cấp huyện phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố Tụng Dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành./.
Tác giả bài viết: Mỹ Cẩm