Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 127 0
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XII ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2010. Sự ra đời của Luật là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc trong việc khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, trong đó có quyền được bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra khi thi hành công vụ.

Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo Luật TNBTCNN quy định trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, còn thiệt hại do hoạt động xây dựng pháp luật chưa được Nhà nước bồi thường. Hoạt động quản lý hành chính là hoạt động có phạm vi rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội, liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, các loại quyết định hành chính, hành vi hành chính rất đa dạng, phong phú và phức tạp. Vì vậy, tại Điều 13 Luật TNBTCNN chỉ quy định 11 trường hợp cụ thể mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thi hành công vụ, gồm:

1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;

3. Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

4. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh;

5. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép;

6. Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất;

7. Áp dụng thủ tục hải quan;

8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

9. Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

10. Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ;

11. Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện.

Ngoài 11 trường hợp được nêu cụ thể tại Điều 13 Luật TNBTCNN, để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, tại khoản 12 Điều 13 Luật TNBTCNN còn quy định mở:  Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Để cụ thể hóa Điều 13 Luật TNBTCNN, tại Điều 5 của Thông tư liên tịch số 18/2015//TTLT - BTP-BTC-TTCP ngày 14/12/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước hướng dẫn việc xác định phạm vi trách nhiệm trong một số trường hợp cụ thể:

- Áp dụng các biện pháp được quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 13 của Luật TNBTCNN là việc người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại khi ra quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp đó;

- Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại gây ra cho người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại là công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng hoặc tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc;

- Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định tại khoản 12 Điều 13 của Luật là các trường hợp được bồi thường khác được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản đó có hiệu lực sau ngày 01 tháng 01 năm 2010.

- Giấy tờ có giá trị như giấy phép quy định tại khoản 5 và khoản 11 Điều 13 của Luật TNBTCNN bao gồm: văn bản xác nhận, chấp thuận, phê duyệt; chứng chỉ hành nghề; giấy chứng nhận và các loại giấy tờ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Đồng Thời, Luật TNBTCNN cũng quy định các trường hợp Nhà nước không bồi thường đối với các thiệt  hại xảy ra khi:

- Do lỗi của người bị thiệt hại;

- Người thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ án;

- Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Luật TNBTCNN quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công dân, tổ chức nếu cán bộ, công chức gây ra thiệt hại trong quá trình thi hành công vụ hoặc các trường hợp Nhà nước không bồi thường thiệt hại đã tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình./.

Tác giả bài viết: Phạm Văn Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây