Nội dung thi tập trung vào các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở,các quy định của Hiến pháp năm 2013, các đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường…; các kiến thức về xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán, văn hóa tốt đẹp cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở và kỹ năng hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Phát biểu khai mạc Cuộc thi, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi nhấn mạnh: Hoạt động hoà giải ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ở tỉnh Bình Định, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã nhận được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền; sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể. Đặc biệt là sự tham gia lặng thầm nhưng chứa đầy nhiệt tình và trách nhiệm của hàng nghìn hoà giải viên để góp phần hàn gắn những rạn nứt, xóa bỏ những mâu thuẫn, vun đắp sự hoà thuận trong từng gia đình, cộng đồng dân cư.Việc hòa giải những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở đã góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toànmong muốn Cuộc thi sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các hòa giải viên; từ đó phát hiện những nhân tố mới, những điển hình xuất sắc trong hoạt động hòa giải; tạo động lực mới cho những người làm công tác hòa giải và quản lý nhà nước về công tác hòa giải. Từ Cuộc thi, cộng đồng sẽ tiếp tục thấu hiểu, đồng cảm và quan tâm đối với công tác hòa giải và hòa giải viên. Đồng chí cũng đề nghị các Đội, các thí sinh tham gia dự thi hãy bình tĩnh, tự tin, vận dụng hết những hiểu biết của mình về hòa giải ở cơ sở cũng như các quy định pháp luật để hoàn thành xuất sắc các phần thi trên tinh thần giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; để sau hội thi này, mỗi thí sinh - hòa giải viên sẽ tích lũy được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý để phát huy hơn nữa vai trò chủ động, sáng tạo của mình trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Sau 01 ngày tranh tài ở 04 phần thi: Giới thiệu (Đội thi giới thiệu ngắn gọn các thông tin về đội thi, đặc thù và tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương bằng hình thức thích hợp như: kịch, thơ, ca, hò, vè, tiểu phẩm, bài chòi…); Lý thuyết (Đội thi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trong Bộ câu hỏi của Ban Tổ chức Cuộc thi); Kiến thức (Đội thi trả lời các câu hỏi xử lý tình huống về mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở trong Bộ câu hỏi của Ban Tổ chức Cuộc thi) và Tiểu phẩm (Đội thi biểu diễn tiểu phẩm bằng hình thức kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu khác phù hợp về một vụ việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương và được hòa giải thành công), Ban Tổ chức Cuộc thi đã chọn ra 04 đội có số điểm cao nhất đến từ các huyện: Tuy Phước (335 điểm), Phù Mỹ (315 điểm), Hoài Nhơn (312 điểm), Vĩnh Thạnh (303 điểm) tham gia vào vòng Chung khảo (dự kiến tổ chức trong tháng 8/2019)./.
Tác giả bài viết: Mỹ Cẩm