Hội thảo có sự tham gia của ông Trần Hải Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính, Trưởng ban Ban Pháp chế tỉnh Quảng Bình và đại diện Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, Lãnh đạo Sở Tư pháp, Lãnh đạo phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Hội thảo đã được nghe 05 tham luận và 06 ý kiến phát biểu của đại diện các ngành, các tỉnh. Nội dung của các tham luận, ý kiến đã đánh giá và nhấn mạnh tình hình, kết quả 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và Luật phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, đi sâu đánh giá về cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; vai trò của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; những kết quả, chuyển biến cụ thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW; những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và đưa ra các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác này.
Tại Hội thảo này, Sở Tư pháp Bình Định đã có tham luận đánh giá về quá trình triển khai và thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm cụ thể trong triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã đánh giá cao những kết quả các địa phương đã đạt được trong 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, các đoàn kiểm tra, Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW, ông Lê Vệ Quốc cũng khẳng định có đầy đủ cơ sở lý luận, chính trị và thực tiễn để Ban Chỉ đạo tham mưu và đề xuất Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế Chỉ thị số 32-CT/TW nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong bối cảnh, tình hình mới.
Đồng thời, trong thời gian tới, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, các địa phương cần tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành; giữa cấp ủy Đảng, chính quyền trong các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn mới để có nội dung, phương pháp, cách làm phù hợp; gắn kết giữa phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện phổ biến và giáo dục, vận động cán bộ người dân nâng cao ý thức tìm hiểu và chấp hành pháp luật; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chú trọng PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, đối tượng yếu thế trong xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện chính sách, quy định cụ thể hóa các cơ chế thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác này./.
Tác giả bài viết: N.Q