Đề án được triển khai tại 02 Mô hình điểm là xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh và trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh với nhiều hoạt động như: Tổ chức hội thảo khoa học, Ngày hội Văn hóa Thanh niên dân tộc thiểu số, xây dựng phim, phóng sự chuyên đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, biên soạn tài liệu tuyên truyền, tổ chức hội thi, tập huấn, diễn đàn tuyên truyền…
Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án tại các địa bàn, đơn vị được chọn làm điểm, đối với Mô hình điểm xã Vĩnh Sơn trong 40 cặp kết hôn thì có 05 người không đúng tuổi, chiếm tỷ lệ 12,5%, giảm 50% số người kết hôn không đúng tuổi so với năm 2016; đối với mô hình điểm tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Thạnh, trong năm học 2017 – 2018 có 2 học sinh bỏ học về lập gia đình, giảm 67% so với năm học 2016 – 2017 (có 6 học sinh).
Tại hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Tổ chức hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 02 tập thể và 04 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án. Phát biểu kết thúc, Chủ trì Hội nghị đề nghị các cơ quan, đại phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo, phát huy những giải pháp, kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả mà các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã chỉ ra và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian đến để công tác triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt hiệu quả./.
Tác giả bài viết: Ngọc Hiền