Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các Luật mới thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 74 0
Thực hiện Quyết định số 3332/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của UBND tỉnh, chiều ngày 26/10/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị cấp tỉnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản Luật thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự và báo cáo tại Hội nghị có Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Hội nghị phổ biến, tuyên truyền các Luật mới thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Với thời lượng chỉ trong vòng 01 buổi, báo cáo viên đã tập trung quán triệt, tuyên truyền tinh thần, nội dung cơ bản và đặc biệt là những điểm mới của 03 dự án Luật: Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản. Trong đó,

Luật Thủy lợi năm 2017 đã quy định về chủ sở hữu, chủ quản lý và chủ khai thác công trình thủy lợi. Quy định chuyển từ phí sang giá là bước chuyển từ thủy lợi phục vụ sang thủy lợi dịch vụ, giúp người quản lý và người sử dụng dịch vụ hiểu rõ hơn về dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Luật cũng quy định xã hội hóa đầu tư công trình thủy lợi với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thủy lợi, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản; thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm  tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng. Luật cũng có nhiều điểm mới trong các quy định về sở hữu rừng, quy hoạch lâm nghiệp, quản lý rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng,...

Luật Thủy sản năm 2017 được đánh giá có sự thay đổi toàn diện so với Luật Thủy sản năm 2003 cả về đối tượng áp dụng, giải thích thuật ngữ, hành vi bị nghiêm cấm, hợp tác quốc tế, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản,... Trong đó có 02 nội dung mới hoàn toàn so với Luật Thủy sản năm 2003 là cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản và quy định đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản,...

Với một tỉnh còn nặng về phát triển kinh tế nông nghiệp như Bình Định, việc nắm bắt và vận dụng kịp thời quy định của Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản trong thực tiễn quản lý nhà nước và phát triển kinh tế của các doanh nghiệp, cá nhân là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức thực thi luật, đưa luật vào cuộc sống, góp phần phát triển nền nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế của tỉnh, đưa ngành nông nghiệp của Bình Định hội nhập sâu vào thị trường thế giới./.

Tác giả bài viết: N.Q

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây