Kết quả kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 79 0
Thực hiện Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 30/5/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch kiểm tra về công tác hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 trên địa bàn tỉnh.

Ngày 15/7/2016 Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 68/QĐ-STP thành lập Đoàn Kiểm tra về công tác hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 và đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị: Cục Hải Quan, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND phường Trần Hưng Đạo, UBND thành phố Quy Nhơn, UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, UBND huyện Vĩnh Thạnh, UBND thị trấn Ngô Mây, UBND huyện Phù Cát, UBND thị trấn Phù Mỹ, UBND huyện Phù Mỹ, UBND thị trấn An Lão; UBND huyện An Lão; UBND thị trấn Phú Phong, UBND huyện Tây Sơn, UBND thị trấn Tuy Phước; UBND huyện Tuy Phước; đồng thời, theo kế hoạch kiểm tra có đề nghị các cơ quan, đơn vị (đối tượng kiểm tra gián tiếp) thực hiện báo cáo kết quả hoạt động kiểm soát TTHC trong giai đoạn kiểm tra. Qua kết quả kiểm tra trực tiếp và trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị kiểm tra gián tiếp; Đoàn kiểm tra đã tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra cụ thể, báo cáo UBND tỉnh.

Đánh giá chung, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản đã thực hiện theo kế hoạch và kiểm soát tương đối đảm bảo các quy định về thủ tục hành chính; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, đa số cũng đã bắt đầu nhận thấy được tầm quan trọng của công tác này và triển khai thực hiện tương đối đều; hệ thống cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính đã được kiện toàn và thiết lập cơ bản đồng bộ; việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính tại cơ quan được thực hiện; vị trí niêm yết thuận tiện quan sát, dễ tra cứu cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu liên hệ giải quyết công việc liên quan các TTHC.Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Để công tác KSTTHC trong thời gian đến tiếp tục đạt kết quả tốt hơn,  Sở Tư pháp đã đề xuất các giải pháp như sau:

 - Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch  UBND cấp huyện và cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính) để tiếp tục quán triệt nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình; quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát TTHC trong đơn vị; duy trì chế độ thông tin báo cáo định kỳ theo đúng thời gian quy định; cử cán bộ có năng lực làm cán bộ đầu mối để tham mưu, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho lãnh đạo; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ trực tiếp cho các đơn vị được kiểm tra.

- Ban Thi đua Khen thưởng đưa kết quả của hoạt động kiểm soát TTHC vào một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của cá nhân, đơn vị.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong hoạt động kiểm soát TTHC.

- Tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cơ bản cho cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị để nâng cao sự hiểu biết sâu rộng về kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ này.

- Thực hiện đảm bảo việc công bố, công khai TTHC theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Thông tư số 05/2014/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và thực hiện tốt việc xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ.

- Triển khai đồng bộ việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua đường chuyển phát nhanh theo yêu cầu của người dân; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân với cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết TTHC.

- Cáccơ quan, đơn vị hàng năm tiếp tục chủ động thực hiện triển khai đầy đủ các văn bản, quy định về hoạt động kiểm soát TTHC, cần tập trung triển khai và tổ chức thực hiện mạnh mẽ bằng sự quyết tâm để hoàn thành các Nghị quyết của Chính phủ (Nghị quyết 43/NQ-CP, Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP); quan tâm và chú trọng hơn nữa về công tác tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với người dân, doanh nghiệp theo Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình giải quyết TTHC, nếu phát hiện các TTHC không còn phù hợp thì chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét công bố sửa đổi hoặc bãi bỏ theo quy định. Tăng cường công tác phối hợp giải quyết các TTHC liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị; cần  thiết xây dựng Quy chế phối hợp hoặc xây dựng Đề án liên thông giải quyết TTHC nhằm phân định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp. Các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi tiến hành giải quyết các TTHC lưu ý tuyệt đối không tự đặt điều kiện, phát sinh yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định trong các TTHC đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Nhất thiết phải hạn chế và tiến đến việc chấm dứt tình trạng giải quyết các TTHC để tồn đọng kéo dài thời gian, chậm trễ không có lý do chính đáng. Tạo niềm tin thật sự và đảm bảo mức độ hài lòng cho cá nhân, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, PCI của tỉnh trong thời gian đến./.

Tác giả bài viết: N.N.T

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây