Sở Tư pháp Bình Định với công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011 - 2015

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 95 0
Triển khai thực hiện công tác cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49/NQ-TW, nhiệm kỳ qua (2011 – 2015), tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp đã nhận thức đúng đắn chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chiến lược cải cách tư pháp, hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp, vị trí, vai trò, trách nhiệm của các hoạt động tư pháp. Việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW đã được cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo nghiêm túc. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Sở Tư pháp về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về chiến lược cải cách tư pháp, về vị trí vai trò của hoạt động tư pháp trong đời sống xã hội được nâng lên.

Tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp đã và đang được nghiên cứu và từng bước hướng tới sự hoàn thiện cả về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền hoạt động, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp theo định hướng yêu cầu về chất lượng cải cách tư pháp đã đề ra. Công tác tổ chức cán bộ của Sở Tư pháp từng bước được kiện toàn.

Với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thời gian qua hoạt động công chứng, bán đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý đã từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, không những phục vụ kịp thời nhu cầu công chứng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh.Nhìn chung, nhiệm kỳ 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh đã từng bước thực hiện cơ bản việc xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp, bảo đảm sự phát triển của hoạt động này có hiệu quả, đúng với chủ trương, pháp luật của nhà nước, sự phát triển của hoạt động công chứng và Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020.

Lĩnh vực luật sư đã từng bước khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động Luật sư, nhất là giáo dục về quan điểm nhận thức chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp của Luật sư,… từ đó mỗi Luật sư nhận thức được vai trò, vị trí của mình để có sự rèn luyện, phấn đấu vươn lên, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và quyền lợi cho tổ chức, cá nhân.  

Hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu cho hoạt động tố tụng, giúp các Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật, tránh oan sai. Công tác giám định tư pháp được UBND tỉnh và các ngành quan tâm chỉ đạo và từng bước hoàn thiện thể chế, các điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả.

          Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Lãnh đạo Sở Tư pháp đã xác định: Đảng lãnh đạo các hoạt động tư pháp là nội dung rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc đổi mới hiện nay, nhằm mục đích bảo đảm hoạt động của các hoạt động tư pháp theo đúng đường lối chính trị, bảo đảm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của các hoạt động tư pháp để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo luật định, duy trì và bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, vì sự công bằng, dân chủ và nghiêm minh trong tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, vừa qua tại Đại hội đảng bộ của Sở Tư pháp lần thứ IX nhiệm kỳ 2015-2020, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm có 7 đồng chí, Bí thư Đảng ủy là Giám đốc Sở nhằm đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ của ngành.

          Với những kết quả trên, Sở Tư pháp vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định tặng Bằng khen cho tập thể Sở Tư pháp đã có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011 – 2015 theo Quyết định số 2132-QĐ/TU ngày 10/9/2015./.

Tác giả bài viết: B.H

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây