Quy trình đánh giá tác động thủ tục hành chính trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Thứ tư - 06/10/2021 17:37 190 0
Đánh giá tác động thủ tục hành chính (TTHC) là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp của TTHC cũng như các chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi thực hiện TTHC dự kiến ban hành để cân nhắc, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC.

Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC có trách nhiệm đánh giá tác động các TTHC trong dự thảo theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Việc đánh giá tác động được tiến hành trong giai đoạn dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phải hoàn thành trước khi gửi thẩm định.

Về quy trình đánh giá tác động TTHC: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC thực hiện đánh giá tác động của TTHC theo các bước sau:

- Bước 1: Tiến hành đánh giá tác động TTHC: Cơ quan soạn thảo sử dụng các biểu mẫu tại Phụ lục I, Phụ lục IV và nội dung quy định tại các Điều 6,7,8,9 của Thông tư số 07/2014/TT-BTP để đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và chi phí tuân thủ của TTHC.

- Bước 2: Hoàn thiện các quy định về TTHC: Trong quá trình đánh giá tác động, nếu TTHC được xác định là không cần thiết thì cơ quan chủ trì soạn thảo ngừng việc đánh giá tác động và không quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu TTHC được xác định là cần thiết thì tiếp tục đánh giá tác động và căn cứ vào kết quả đánh giá, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện quy định về TTHC nhằm đảm bảo TTHC tại dự án, dự thảo văn bản thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và hiệu quả.

- Bước 3: Tổng hợp kết quả đánh giá tác động của TTHC: Sau khi đánh giá tác động TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá vào nội dung Báo cáo đánh giá tác động của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Riêng đối với dự thảo Thông tư, Thông tư liên tịch, dự thảo Quyết định của UBND cấp tỉnh có quy định về TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá tác động của TTHC thành báo cáo riêng.

Về đánh giá tác động TTHC trong một số trường hợp cụ thể:

- Trong trường hợp các văn bản của Trung ương (Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) chưa quy định đầy đủ các bộ phận tạo thành của một TTHC theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và giao cho cơ quan cấp dưới quy định đầy đủ, chi tiết thì cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ tiến hành đánh giá tác động đối với những bộ phận tạo thành của TTHC được giao quy định đầy đủ, chi tiết.

- Trong trường hợp TTHC được sửa đổi, bổ sung thì cơ quan chủ trì soạn thảo chỉ tiến hành đánh giá tác động đối với những bộ phận tạo thành của TTHC được sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo phải thuyết minh rõ tính đơn giản cũng như những ưu điểm của TTHC được sửa đổi, bổ sung và lợi ích về chi phí của TTHC được sửa đổi, bổ sung so với TTHC cũ.

Đối với hai trường hợp trên, cơ quan chủ trì soạn thảo sử dụng Biểu mẫu đánh giá tác động của TTHC được sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết tại Phụ lục II, Phụ lục IV và nội dung hướng dẫn tại các Điều 7,8,9 của Thông tư số 07/2014/TT-BTP để đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và chi phí tuân thủ của TTHC đối với những bộ phận tạo thành của TTHC được giao quy định chi tiết hoặc sửa đổi, bổ sung./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Thu Thảo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây