Nội dung của Thông tư liên tịch tập trung vào những vấn đề liên quan tới việc tổ chức và trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đất đai và đấu giá tài sản hiện chưa quy định cụ thể. Thông tư không hướng dẫn lại các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất và bán đấu giá quyền sử dụng đất mà các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và đấu giá tài sản đã quy định. Thông tư liên tịch gồm 3 chương, 16 điều, với các nội dung như: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; Chương III. Điều khoản thi hành. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2015.
Theo quy định của Thông tư, quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm:
- Đất Nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai; thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai;
- Đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước;
- Đất do UBND xã, phường, thị trấn; Tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật;
- Đất do các tổ chức được giao để quản lý theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao, cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật.
Thông tư liên tịch quy định mới, cụ thể hơn về Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đặc biệt được thành lập để thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp sau:
- Thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với đất để thực hiện dự án có giá trị lớn khi giá trị quyền sử dụng đất của toàn bộ thửa đất tính theo giá đất trong bảng giá đất từ 1.000 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 300 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; từ 500 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại;
- Thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư hoặc giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại xã thuộc địa bàn miền núi cách trung tâm tỉnh lỵ từ 60 km trở lên mà tại địa bàn huyện nơi giao đất, cho thuê đất không có tổ chức có chức năng bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Thông tư liên tịch cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục tổ chức việc đấu giá quyền sử dụng đất như: Lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất; chuẩn bị hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất; quyết định đấu giá quyền sử dụng đất; xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất; giám sát thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất; phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá. Việc hướng dẫn chi tiết về các cơ quan thực hiện, về trình tự thủ tục tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cũng như về các thủ tục sau đấu giá sẽ tháo gỡ được các vướng mắc hiện nay và giúp cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất đi vào nề nếp, đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản./.
Tác giả bài viết: Thanh Chung